Giới chuyên gia hối thúc Trump cấp tốc nói chuyện với Kim Jong-un  

Phương Đăng (theo Dailycaller) Thứ bảy, ngày 01/07/2017 15:50 PM (GMT+7)
Khi chính quyền Donald Trump đang cân nhắc các lực chọn đối với Triều Tiên, nhiều cựu quan chức ngoại giao, quốc phòng và các chuyên gia hàng đầu đang ra sức hối thúc Tổng thống sớm nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để tránh viễn cảnh chiến tranh hạt nhân. 
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nên sớm nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tránh viễn cảnh chiến tranh hạt nhân.

Triều Tiên đang tiến hành phát triển chương trình vũ khí với tốc độ nhanh hơn, đẩy đất nước tiến gần hơn tới việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đe dọa lục địa Mỹ. Dù quân đội Mỹ đã chuẩn bị để sẵn sàng trình lên Tổng thống các lựa chọn, bao gồm lựa chọn quân sự để đối phó với Triều Tiên, chính quyền Trump hiện vẫn đang cố sử dụng các áp lực ngoại giao và kinh tế để ép Bình Nhưỡng đàm phán và cuối cùng chấp nhận giải trừ hạt nhân. 

"Chúng tôi đang tạo áp lực và thực sự chỉ mới bắt đầu làm như vậy. Tổng thống đang theo dõi xem tình hình tiến triển thế nào", một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quan sát cảm thấy chiến lược trên có thể sẽ không mang lại kết quả mong muốn nên nhấn mạnh rằng, chính quyền nên sớm đàm phán với Triều Tiên để giảm căng thẳng ở hiện tại và tránh viễn cảnh xảy ra chiến tranh hạt nhân. 

"Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ hữu ích trong việc gia tăng áp lực lên Triều Tiên nhưng các biện pháp đó sẽ không giải quyết được vấn đề. Bình Nhưỡng đã chứng minh được rằng, họ vẫn có thể đạt được các tiến bộ trong chương trình tên lửa và công nghệ hạt nhân dù bị cô lập. Nếu không có các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt việc này, không cần phải nghi ngờ, Triều Tiên sẽ phát triển được tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Mỹ", các chuyên gia lập luận trong bức thư gửi ông Trump.

Những chuyên gia ký tên vào bức thư bao gồm William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton; George Sultfried Hecker, một nhà khoa học hạt nhân và là cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos; George Shultz, quan chức trong chính quyền Reagan; Robert Gallucci, nhà đàm phán trưởng trong khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994...

"Đàm phán không phải là phần thưởng hay là sự nhượng bộ trước Bình Nhưỡng. Đây là một bức cần thiết để tránh một thảm họa hạt nhân", bức thư viết.  

Các chuyên gia nhấn mạnh nên gửi một đặc phái viên tổng thống cấp cao tới Bình Nhưỡng để giải thích rằng, Mỹ không có ý định thù địch và sẵn sàng hợp tác để bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên nhằm đổi lại việc nước này đóng băng chương trình tên lửa và hạt nhân. 

 Trước đó, ông Trump từng nhấn mạnh hồi tháng 5 rằng, ông sẽ cảm thấy "vui mừng" để gặp nhà lãnh đạo KIm Jong-un dưới các điều kiện hợp lý - điều mà chính quyền Mỹ cho rằng không thích hợp tại thời điểm này. 

Triều Tiên gần đây đã liên tục thử nghiệm nhiều hệ thống vũ khí mới và cải tiến bao gồm các tên lửa tầm ngắn, tầm trung cũng như các tên lửa hành trình được phóng từ bờ biển cũng như các tên lửa hành trình đất đối không.

Triều Tiên cũng đã cảnh báo họ sắp thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ. Ngoài ra, Triều Tiên được cho là đang phát triển một quả bom hydro dù chưa nắm vững công nghệ này. 

Các chuyên gia nhận định rằng, biện pháp ngoại giao có thể không thành công nhưng lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên cũng là hạ sách.

"Sự đáp trả của Triều Tiên trước một cuộc tấn công của Mỹ có thể tàn phá Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Thời gian hiện không đứng về phía chúng ta", bức thư kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem