Giới họa sĩ bức xúc khi tác phẩm đạo, chép rao bán công khai trên mạng

Minh Anh Thứ ba, ngày 20/03/2018 13:29 PM (GMT+7)
Từ lâu, giới mỹ thuật đã kêu cứu về việc tác phẩm bị vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, nhất là khi công nghệ Internet phát triển thì nạn rao bán tranh giả, tranh chép thường xuyên xảy ra.
Bình luận 0

Mới đây, câu chuyện về tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến bị rao bán giá rẻ công khai trên mạng lại khiến cho giới mỹ thuật và dư luận thêm một lần dậy sóng.

img

Nhiều tác phẩm của các họa sĩ được công khai rao bán trên mạng

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên báo điện tử Dân Việt đã liên lạc với họa sĩ Đặng Tiến. Anh cho biết: "Khi đang đi thực tế tại tỉnh Hòa Bình, tôi nhận được 2 bức ảnh của một người bạn chia sẻ, việc một số tranh của tôi được rao bán trên mạng với giá thấp hơn nhiều so với giá tranh của tôi. Đó là một trang điện tử của cơ sở chuyên chép tranh của các họa sĩ (Xuongtranhvn), có địa chỉ tại E6 Phạm Hùng, Keangnam, Mễ Trì, Cầu Giấy, Hà Nội. Theo trang mạng này, họ theo dõi các bức tranh được các họa sĩ đăng trên mạng xã hội (Facebook), tranh nào được nhiều người quan tâm (like), họ sẽ chép và rao bán. Dựa vào số điện thoại của trang mạng, tôi gọi điện để nói chuyện, nhưng được trả lời số điện thoại không có thực. Gọi điện thoại không được, tôi đã nhắn tin qua hộp thư điện tử, yêu cầu cơ sở này phải gỡ ngay những hình ảnh là tranh của tôi xuống. Tôi đã đăng 2 bức ảnh trang mạng Xuongtranhvn mà người bạn gửi lên facebook, nhiều anh em họa sĩ đã vào mạng kiểm tra, kết quả là rất nhiều họa sĩ cũng có tranh bị chép rao bán.

Một họa sĩ tại Hải Phòng sau đó liên hệ được với chủ cơ sở tên Tường, sinh năm 1985. Cậu ta nói đang làm dự án giúp sinh viên khởi nghiệp và không hiểu luật. Cậu ta nhận lỗi, nói đã dừng dự án và hứa để trang web 2 ngày nhằm chia sẻ với mọi người về bài học sau đó sẽ hạ xuống. Tuy nhiên, có vẻ đây chỉ là sự chống chế không trung thực, bởi tối 13.3, tôi có gọi điện thoại mấy lần, có chuông reo, nhưng cậu ta không trả lời. Trên mạng xã hội, anh chị em họa sĩ vẫn tiếp tục chia sẻ những tác phẩm của mình từng bị chép, nhái và lên án việc này".

img

Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ về những bức tranh bị chép, thậm chí bị chuyển thể thành...tranh gốm.

Ảnh: Phạm Bình Chương - chụp tại tọa đàm về vi phạm bản quyền Mỹ thuật. 

Với họa sĩ Đặng Tiến, đây cũng không phải là lần đầu tác phẩm của anh bị vi phạm bản quyền. Anh cho biết: “Cách đây nhiều năm (khoảng năm 1996- 1997), khi xem một phóng sự trên VTV3 về một cơ sở làm tranh tre ghép (ở Gia Lâm- Hà Nội), tôi cũng thấy tranh của mình (in trong vựng tập Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1995) bị cơ sở này “chuyển” sang chất liệu tre ghép, với câu phát biểu hùng hồn của chủ cơ sở: “Do họa sĩ của chúng tôi sáng tác” (?).

Năm 1998, sau triển lãm cá nhân của tôi trưng bày tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, một số tranh in trong vựng Tập triển lãm cũng bị chép nhái. Hội họa Việt Nam đã xảy ra chuyện bị sao chép, làm nhái bất hợp pháp từ nhiều năm qua. Báo chí viết nhiều, anh em họa sĩ nói nhiều, thậm chí căm phẫn, nhưng việc này vẫn chưa được cải thiện mà còn tỏ ra trắng trợn hơn. Trước đây người ta còn giấu giếm, nhưng giờ thì công khai rao bán trên mạng, bày triển lãm (vụ Những bức tranh trở về từ châu Âu, hoặc bán đấu giá…). Các cơ quan chức năng như Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ VHTT&DL, Hội Mỹ thuật… thì hầu như coi đó không phải việc của mình.  Rõ ràng, đây là hình thức ăn cắp trí tuệ, làm hàng giả, lừa đảo… một cách công khai mà không bị xử lý. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm nghệ thuật; ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà sưu tập trong và ngoài nước về thị trường mỹ thuật Việt Nam, kéo thấp giá trị các tác phẩm nghệ thuật”.

img

Họa sĩ Thành Chương chưa hết kinh hoàng sau vụ tranh mình bị "biến" thành tranh Tạ Tỵ, vụ việc này vẫn đang bị "chìm xuồng". Ảnh Phạm Bình Chương

Bức xúc trước việc các tác phẩm mỹ thuật bị vi phạm bản quyền, đặc biệt là câu chuyện vừa xảy ra với họa sĩ Đặng Tiến, họa sĩ  Phạm Hà Hải đã đứng ra tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Họa sĩ nên làm gì khi bị vi phạm bản quyền" với sự góp mặt của nhiều họa sĩ tên tuổi như: Thành Chương, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đặng Tiến... Trên facebook cá nhân, họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ dòng trạng thái: Nạn chép tranh vô luật lệ! Ai lợi ai thiệt?

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng: “Thực trạng chép tranh (chưa nói đến thực trạng Nhái phong cách) không chịu sự quản lý nào ở Việt Nam là vấn đề không mới (có thể bắt đầu từ những năm 1994, 1995). Các họa sĩ đã lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, toạ đàm với thành phần nhà sáng tác, quản lý ngành, bảo tàng, nhưng thiếu hẳn thái độ và kế hoạch cụ thể cho việc ngăn chặn thực trạng này. Ai thiệt với vấn nạn tranh chép: Hiển nhiên cả xã hội thiệt. Trực tiếp là pháp luật bị phơi áo là một thể chế luật yếu, đạo đức xã hội tồi, nhà sáng tác uất ức, cơ quan thuế không thu được tiền. Nếu trường hợp người mua mua tranh với giá tranh giả danh thì họ chịu bị lừa, hưởng thụ chất lượng nghệ thuật kém cùng sự phi pháp mà phải chi trả tiền mua đồ thật. Kẻ được lợi là kẻ kinh doanh, sản xuất thứ tranh chép phi pháp này. Hội Mỹ thuật Việt Nam là cơ quan tập hợp các nhà sáng tác cần chính thức nêu vấn đề này ra để phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi các thành phần đồng thời đảm bảo một xã hội có luật và thực thi pháp luật. Vấn đề ngày càng trở nên phức tạp, lan rộng, tha hoá, nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng sáng tác, thể hiện một xã hội thiếu lành mạnh, thị trường không minh bạch. Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, triệt để để xã hội đạt được văn minh, an toàn và sáng tạo". 

Bức xúc trước thực trạng sở hữu trí tuệ bị đánh cắp, họa sĩ Phạm Kiên thẳng thắn cho rằng: "Hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn, thuốc bệnh giả tràn lan gây nghiêm trọng sức khoẻ tính mệnh cho người dân mà còn không được chú trọng quản lý, xử lý thì chuyện quản lý văn hoá theo luật bản quyền cho các họa sĩ ai sẽ để ý? Các cơ quan quản lý, thanh tra văn hoá không vào cuộc thì có luật cũng bằng thừa".

img

Tiến sĩ Phạm Long đưa nhiều thông tin về tranh giả VN tại các sàn đấu giá quốc tế, uy tín sụt giảm tới mức có phiên tranh VN coi như đang đấu tranh giả. Ảnh Phạm Bình Chương

Nạn vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mỹ thuật ngày càng nhiều và đa dạng, sog cũng không hẳn người yêu mỹ thuật nào cũng hiểu đầy đủ về khái niệm thế nào là giả, là đạo, là nhái, là tranh chép.

Về vấn đề này, họa sĩ Phạm Kiên giải thích: “Tranh giả: vẽ giống hệt như tranh chép (kể cả kích thước, chữ ký tác giả, năm sáng tác, làm giả cả về thời gian và chất liệu như khung satxi , đinh đóng, ố vàng thời gian ... như một cổ vật rồi xây dựng kịch bản, câu chuyện về nguồn gốc lí lịch của bức tranh, hoặc thông qua các nhà thẩm định uy tín, nhà đấu giá, nhà sưu tập, các gallery (phần lớn là những tác phẩm Thời Đông Dương , kháng chiến hoặc một vài hoạ sỹ đương đại có tiếng tăm, có giá tranh cao).

Tranh nhái (đạo tranh) là một loại ăn cắp ý tưởng, họ không chép lại mà chỉ na ná một vài phong cách của hoạ sỹ tên tuổi hoặc hoạ sỹ bình thường nhưng dòng tranh đó đang thịnh hành và đang được ựa chuộng trên thị trường.

Tranh chép là một nghề của những người hành nghề chép tranh có từ rất lâu đời, họ được phép hành nghề này thông qua luật pháp quy định của từng nước.Tranh chép là một nghề, một nhu cầu cần thiết trong một xã hội văn minh. Tôi nghĩ chắc ở ta có đủ luật nhưng thực thi luật, quản lý luật thì không. Tôi nghĩ Cục mỹ thuật, Hội mỹ thuật VN và các hội mỹ thuật các tỉnh thành cần nghiêm túc nhìn nhận một phần trách nhiệm và có những giải pháp hữu hiệu tham muu giúp cho các đơn vị chức năng quản lý văn hoá vào cuộc. Nếu không nhanh nền mỹ thuật Việt Nam sẽ đi tới đâu, công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam sẽ phải mòn mỏi mua những “đồ ăn sẵn” không phải là một tác phẩm có giá trị về sau này".

Việc đưa các tác phẩm hội họa đến gần hơn với công chúng thông qua mạng Internet là việc vô cùng tiện ích. Các nhà sưu tập cũng có thể lựa chọn các tác phẩm để sưu tập và liên hệ trực tiếp với tác giả, ngoài việc tìm mua các tác phẩm ở các gallery. Các họa sĩ trẻ có dịp xem nhiều tác phẩm trong và ngoài nước, trong đó có nhiều họa sĩ nổi tiếng đẻ học tập, trang bị kiến thức nghệ nghiệp. Việc trao đổi qua mạng xã hội cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế, đặc biệt lại là nơi tiềm ẩn những nguy cơ tác giả, tác phẩm bị vi phạm bản quyền với số lượng lớn và rộng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem