Hiệu quả caoLà một trong những người đi đầu trong việc thực hiện ứng dụng KHKT vào sản xuất, ông Mai Thế Cầu (ở ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) cho biết cách đây hơn 1 năm nhờ sự tư vấn của cán bộ khuyến nông ông mạnh dạn xây dựng bể chứa thu gom nước chạc để sản xuất muối cho vụ sau (nước thu gom từ các ruộng muối mới thu hoạch - PV).
Nông dân TP.HCM ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh minh họa).
Theo ông Cầu, lượng nước này có độ mặn cao, khi tới mùa sản xuất muối thì có thể pha thêm nước cho loãng rồi bơm ra ruộng muối. Cách làm này tiết kiệm được nhiều thời gian, vì vào mùa vụ theo cách thông thường phải mất hàng tháng để dẫn nước vào ruộng, còn với cách này chỉ mất khoảng 2 ngày để bơm nước. Thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn cách sản xuất muối thông thường.
Còn ông Vũ Văn Hưng (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết gia đình ông trồng hơn 3.000m2 đất rau. Cũng nhờ việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng rau mà năng suất tăng và tiết kiệm được ngày công lao động. Ước tính mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Tương tự, hiện nay tại các khu vực ngoại thành có nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp của thành phố còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, bà con khó huy động vốn để mua sắm trang thiết bị KHKT cho sản xuất, các chính sách hỗ trợ người dân chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, so với các ngành khác thì ngành nông nghiệp thu hút đầu tư chưa cao, các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư nhiều vì dễ gặp rủi ro…
Tháo gỡ khó khăn cho nông dânTheo ông Lê Minh Dũng, diện tích đất nông nghiệp thành phố ngày càng giảm. Theo quy hoạch đến năm 2020, thành phố có khoảng 80.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Do đó cần phải đẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ để tăng giá trị sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, thành phố có khu nông nghiệp công nghệ cao, trại thực nghiệm bò sữa công nghệ cao của Israel (hiện sữa thu đạt khoảng 23kg/con/ngày - PV) và một số mô hình ứng dụng KHKT trong sản xuất cũng mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới thành phố cần khuyến khích, nhân rộng những mô hình tương tự.
Còn ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết hàng năm sở đều có những đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHKT, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện sở đang phối hợp các đơn vị đi khảo sát nhu cầu ứng dụng của nông dân cũng như khảo sát các mô hình đang triển khai tại các huyện. Theo ông, nếu các hộ nông dân, HTX có nhu cầu áp dụng các mô hình KHKT vào sản xuất thì sở sẽ hỗ trợ thực hiện ngay trong năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, Hội Nông dân thành phố và Sở KHCN, Sở NNPTNT đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giúp nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Trước mắt trong giai đoạn 2014-2015, các đơn vị sẽ thực hiện chuyển giao và ứng dụng ít nhất 6 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: Sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó các đơn vị cũng đẩy mạnh các chương trình như: Hoạt động khuyến nông, dạy nghề hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tăng cường phối hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác,…
Hữu Ký (Hữu Ký)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.