Đó là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, chủ DN tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của TP.HCM, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 18.4.
16 NHTM trên địa bàn TP.HCM đã ký kết tài trợ cho các DN
Gỡ nút thắt tài sản thế chấp
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hiện nay việc vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn vướng tài sản thế chấp. Trên thực tế, khối DNNVV có doanh số không cao, tài sản ít, họ có tâm tư ngại vay vốn ngân hàng và cũng khó vay vốn ngân hàng vì tài sản thế chấp không đủ. Ngân hàng cần cởi mở vấn đề này.
Chẳng hạn, đối với những DNNVV đầu đàn, có sản phẩm tốt, năng lực tốt thì nên tạo điều kiện cho vay tín chấp. Đặc biệt, với các DN xuất khẩu vay ngoại tệ, cũng cần có chính sách riêng cho vay ngoại tệ để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.
“Có nhiều DNNVV họ làm rất tốt, có thể xuất khẩu những sản phẩm nông sản Việt vào những thị trường có tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây là một việc rất khó, vì thế DN nào làm được cần phải khuyến khích bằng các chính sách riêng cho vay ngoại tệ. Riêng với các sản phẩm chủ lực của TP.HCM, ngân hàng cần tập trung cho vay những doanh nghiệp này”, ông Việt Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng các ngân hàng trên địa bàn TP đã tích cực hỗ trợ vốn và bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhưng nhiều khi lại đổ vốn chưa đúng… thời điểm, lãi suất vẫn còn khá cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, một đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 22 đồng vốn xã hội, trong đó vốn ngân hàng chiếm 14 đồng, huy động trong dân là 8 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế trong giai đoạn đầu phát triển, DN còn khó khăn, ít tài sản thế chấp nên ít ngân hàng dám nhảy vào.
“Đối với các DNNVV, DN khởi nghiệp,… mặc dù họ có ít tài sản thế chấp nhưng nếu có hợp đồng cung ứng sản phẩm thì ngân hàng nên có các giải pháp cho vay để khuyến khích phát triển”, ông Thiện chia sẻ.
Khách hàng vay vốn tại Agribank. Ảnh: Quốc Hải
Ở góc độ là khách hàng trực tiếp vay, ông Nguyễn Trung Hiếu, hộ kinh doanh trại cá giống tại huyện Củ Chi (TP.HCM), cho biết nhờ vốn vay của chương trình kết nối mà quy mô mở rộng đầu tư kinh doanh của gia đình tăng lên 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc ngân hàng định giá tài sản đất đai của DN nông nghiệp khá thấp khiến người vay thiệt thòi.
Cụ thể, ông Hiếu dẫn chứng, giá thị trường của đất mà gia đình đang sở hữu có mức giá 300.000 - 400.000 đồng/m2, nhưng ngân hàng chỉ định giá khoảng 100.000 đồng/m2, như thế sẽ rất thiệt thòi.
Còn ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm CLB Tam nông TP.HCM, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu N.P.T thì nêu ý kiến, DN nông nghiệp chưa được quan tâm rót vốn như doanh nghiệp các lĩnh vực khác. Lãi suất hiện nay mà DN trong CLB Tam nông TP.HCM vay ngắn hạn là 8,8-11%/năm của 3 ngân hàng, trong đó có chi nhánh của BIDV.
“Mức lãi suất đó khá cao so với lĩnh vực nông nghiệp, vì có thể lĩnh vực khác thu hồi vốn nhanh, nhưng nông nghiệp bỏ vốn từ 1-2 năm chưa chắc đã lấy lại được vốn. Còn việc vay với lãi suất chỉ 6,5%/năm như là… trong mơ với chúng tôi”, ông Vũ, chia sẻ.
Gỡ khó cho DN là mở đường cho ngân hàng
Qua các ý kiến chia sẻ của DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay quan hệ giữa ngân hàng - doanh nghiệp đã bình đẳng, cộng sinh. Các ngân hàng đang tìm đến các DN để kết nối với nhau. Từ những khó khăn do DN nêu lên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến thủ tục cho vay, lãi suất, tài sản thế chấp, tỷ lệ cho vay thấp… để xử lý thỏa đáng.
“Các năm qua, DN đều được xem là đối tượng hỗ trợ tháo gỡ chính trong chính sách của Chính phủ để khai thác tối đa nguồn lực, do đó ngành ngân hàng cũng có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, điển hình nhất là sẽ không có chuyện tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, điều hành tỷ giá ổn định để DN yên tâm sản xuất kinh doanh”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khẳng định.
Trong khi đó, liên quan đến việc hỗ trợ vốn vay cho các DN trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng khẳng định, TP có tổng cộng 372.000 DN, tổng vốn đăng ký hơn 4,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, DN siêu nhỏ chiếm 86%, vốn chiếm 13%; DN nhỏ chiếm 4,5% về số lượng, vốn chiếm 4,31%; DN vừa số lượng 6,35%, vốn chiếm 16%; DN lớn (hơn 100 tỷ đồng) chỉ chiếm 1,99% nhưng vốn chiếm đến 65%. Như vậy, DN siêu nhỏ chiếm hơn 91,67% số lượng và 17% số vốn. Do đó, kiến nghị cần phải quan tâm đến DN nhỏ và siêu nhỏ là chính xác và tháo gỡ khó khăn cho những DN này tiếp cận vốn sản xuất là cần thiết.
“Vụ Tín dụng NHNN có đưa ra một số kiến nghị để phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên việc này UBND TP.HCM đã làm từ nhiều năm nay và làm cụ thể từng sản phẩm chủ lực để sớm phát triển như đẩy nhanh thi hành án, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN. Còn về các khó khăn vướng mắc của DN, các Sở ban ngành cần ghi nhận để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ phù hợp” , ông Liêm nói.
Được biết, tại hội nghị này, 16 NHTM trên địa bàn TP đã ký kết tài trợ cho các DN và TP.HCM sẽ triển khai giám sát để sau một thời gian, sẽ tổng kết về hiệu quả để đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Năm 2018, các tổ chức tín dụng tại TP.HCM đã cho gần 11.000 khách hàng vay với số tiền 285.544 tỷ đồng. Trong đó giải ngân cho vay theo gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung dài hạn ở mức 9%/năm.
Kết quả của chương trình kết nối đã giúp TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 346.248 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TP đạt 8,3%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.