Hà Giang: Bỏ ra 5,5 tỷ đồng nuôi lợn đặc sản đen xì, mỗi năm bán hàng nghìn con vẫn không đủ

Trần Quang Thứ tư, ngày 21/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi lợn đặc sản quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, một số hợp tác xã (HTX), trang trại ở vùng cao Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang đã và đang thu lãi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Xuất phát điểm là một trại lợn nhỏ lẻ, ông Thèn Văn Hải - Giám đốc HTX Tuấn Dũng đã mạnh dạn đầu tư 5,5 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn đặc sản quy mô lớn bên cạnh dòng sông Nho Quế ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Đầu tư tiền tỷ nuôi lợn

Theo ông Hải, trước khi chuyển hướng sang chăn nuôi lớn, các thành viên của HTX Tuấn Dũng đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng và thấy lợn đen Lũng Pù - giống lợn bản địa có nhiều ưu điểm vượt trội. 

Theo đó, giống lợn này có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, nếu là lợn mẹ thì nuôi con rất khéo, chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lợn khác. Do đó, ông Hải đã quyết định chọn giống lợn này, vừa nuôi bảo tồn gen vừa để làm giàu.

(Gop) Nuôi lợn đặc sản, thu lợi kép - Ảnh 1.

Công nhân chăm sóc đàn lợn đen Lũng Pù tại HTX Tuấn Dũng ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Trần Quang

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho biết, huyện đang tiếp tục vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đến người tiêu dùng; tích cực thực hiện mọi biện pháp về phòng, chống dịch…

"Xác định phải làm thật nghiêm túc, nên năm 2018 chúng tôi đã thuê ôtô vận chuyển đất từ nơi khác về san, gạt làm mặt bằng cho trang trại. Sau đó HTX tiến hành xây dựng khu nhà điều hành; hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn Lũng Pù quy mô, đồng bộ. 

Cùng với đó, trang trại còn lắp đặt bể biogas để xử lý chất thải; lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Tổng chi phí xây dựng trang trại chăn nuôi lợn Lũng Pù khoảng 5,5 tỷ đồng" - ông Hải nhớ lại.

Cùng thời điểm đó, huyện Mèo Vạc cũng đã vào cuộc hỗ trợ và hướng dẫn HTX Tuấn Dũng chọn lọc, nhân giống, bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang giúp đơn vị của ông Hải kết nối với nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhằm bao tiêu sản phẩm.

Cùng với việc nhập đàn giống lợn chất lượng cao từ đầu mối của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các khu chuồng nuôi trong trang trại được ông Hải thiết kế thành các khu vực riêng biệt như: Khu chăn nuôi, khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi, khu tắm rửa, khử trùng, khu thay quần áo cho người lao động, khu tập kết và xử lý rác thải, khu cách ly lợn ốm, khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm…

Riêng nguồn thức ăn cho lợn được HTX Tuấn Dũng kiểm soát chặt chẽ đầu vào, khẩu phần ăn của đàn lợn cũng phải theo giai đoạn sinh trưởng. Đặc biệt, đơn vị này không sử dụng thức ăn thừa, không rõ nguồn gốc, nhằm tránh làm lây lan dịch bệnh làm hại vật nuôi.

Hơn nữa, để tránh các mối đe dọa dịch bệnh từ bên ngoài, các phương tiện vận chuyển ra, vào trang trại đều phải đi qua nơi khử trùng. HTX cũng thực hiện phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/lần.

Sau mỗi đợt xuất bán, các công nhân của HTX sẽ làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa đàn lợn mới vào nuôi.

Ông Hải cho hay: Sau hơn 2 năm chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, đến nay, HTX Tuấn Dũng đã thuần hóa và nuôi thành công giống lợn bản địa này. Hiện, tổng đàn lợn nái đen Lũng Pù đã lên đến trên 100 con và 300 con lợn đen thương phẩm.

(Gop) Nuôi lợn đặc sản, thu lợi kép - Ảnh 3.

HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Trung bình mỗi năm đơn vị bán ra thị trường hàng nghìn con lợn đen Lũng Pù thương phẩm và lợn Lũng Pù giống chất lượng cao. Tổng doanh thu hàng năm của HTX Tuấn Dũng đạt trên 7,6 tỷ đồng. 

Riêng hoạt động chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Nâng đàn lợn đặc sản lên trên 50.000 con

Tại xã Cán Chu Phìn, năm 2019, mô hình chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Bước đầu có 5 hộ tham gia, đây là mô hình nuôi lợn đen Lũng Pù do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc và UBND xã Cán Chu Phìn thực hiện.

Ông Vừ Mí Và ở xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) cho hay: "Từ khi nuôi lợn Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học, gia đình tôi xuất bán được rất nhiều lứa lợn giống. Trung bình mỗi con lợn nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con, giá mỗi con lợn giống khoảng từ 1,8 - 2 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi còn thu lãi được khoảng 50 triệu đồng/năm".

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Mèo Vạc có trên 11.000 hộ nuôi lợn đen Lũng Pù với hơn 33.000 con. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cao Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho hay: Mục tiêu phát triển giống lợn đen Lũng Pù đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu đạt 51.426 con, tăng 1,5 lần so với năm 2020. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem