Hỗ trợ đầu vào
Năm 2011, Hà Nam được hỗ trợ triển khai Dự án trồng nấm thuộc Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn (2011 – 2015) của Chính phủ, với mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động là đơn vị được chọn để thực hiện dự án, sau đó sẽ nhân rộng ra các huyện, xã khác.
|
Với gói kích cầu gần 38 tỷ đồng, hy vọng nghề trồng nấm sẽ phát triển mạnh ở Hà Nam. |
Ông Nguyễn Xuân Mai – Giám đốc Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động cho hay, hiện công ty có 4.000m2 nhà xưởng, trong đó 3.000m2 trồng các loại nấm như mộc nhĩ, linh chi, trân châu, chân dài, nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm. “Hiện đã thu hoạch được 2 vụ với khoảng 400 tấn nguyên liệu và 90 tấn sản phẩm, mỗi ngày công ty sản xuất ra khoảng 7.000 bịch nấm giống đáp ứng 80% nhu cầu giống của tỉnh và tạo việc làm cho 20 lao động” – ông Mai cho biết.
Ông Mai Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay, để phát triển nghề trồng nấm, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển nấm từ năm 2012 – 2015, với kinh phí gần 38 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2012 sẽ phát triển thêm 40 hộ trồng, với diện tích 36.000m2, sản lượng 136 tấn giá trị khoảng 4,1 tỷ đồng. Từ năm 2013 – 2015 sẽ có từ 180 – 220 hộ trồng nấm, sản lượng khoảng 380 tấn, giá trị khoảng 12 tỷ đồng.
“Tỉnh sẽ hỗ trợ từ 100% tiền giống đối với nấm mỡ, rơm, sò; 50% đối với mộc nhĩ và 30% vật tư, 100% chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho tất cả các hộ trồng nấm. Cụ thể hỗ trợ 200.000 đồng/m2 đối với mô hình mộc nhĩ, nấm sò 32,200 đồng/m2, nấm mỡ 16.400 đồng/m2, nấm rơm 15.000 đồng/m2” – ông Dũng cho hay.
Cầm tay chỉ việc
Để triển khai, tỉnh đã giao cho Sở NNPTNT Hà Nam phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ, Viện Di truyền (Bộ NNPTNT) và các Hội Nông dân, Cựu Chiến binh… tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, cách trồng, chăm sóc nấm.
“Hiện cả nước có 16 vùng trồng nấm, mỗi năm thu khoảng 90 triệu USD. Tuy nhiên không phải vùng nào cũng phát triển tốt, Bộ NNPTNT cần điều tra làm rõ vùng nào hiệu quả để đẩy mạnh phát triển, không nên phát triển tràn lan và quan trọng nhất là làm sao để quảng bá được thương hiệu”.
Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Hội ND VN
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho hay, năm 2011, Sở đã phối hợp với Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động dạy nghề trồng nấm cho hàng chục lao động và đã có nhiều mô hình được triển khai sau khóa học.
Ông Hùng cho biết: “Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, Sở sẽ mở khoảng 100 lớp tập huấn, khoảng 50 học viên mỗi lớp, khoảng 10 ngày/khóa. Tại đây, các học viên sẽ được học cách trồng, chăm sóc và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, theo phương pháp cầm tay chỉ việc (học đến đâu thực hành đến đó)”.
Ông Nguyễn Văn Đức đang làm tại Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động cho biết, sau khi được học nghề do chưa có vốn nên ông đã ở lại công ty để làm, để tích lũy vốn và kỹ thuật.
Ông Đức nói: “Học trồng nấm không khó, nhưng để trồng nấm hiệu qủa thì cần phải học rất nhiều. Tôi vừa làm, vừa học một thời gian nữa cho vững nghề rồi tách ra. Trung bình 1 mô hình đầu tư khoảng 30 triệu, nhưng tỉnh chỉ hỗ trợ được vài triệu, thiếu vốn nên nhiều người rất khó triển khai”.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.