Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Cần có đột phá mới trong tư duy phát triển! (Bài cuối)

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 05/08/2023 20:54 PM (GMT+7)
Việc thu hút các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng thế giới và các đoàn phim quốc tế đến Hà Nội cũng là những tiền đề quan trọng của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội về vấn đề này.
Bình luận 0

Thưa ông, thời gian gần đây, Hà Nội được nhiều dự án âm nhạc, điện ảnh quốc tế lựa chọn làm điểm tổ chức biểu diễn hoặc ghi hình các bộ phim. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

- Việc các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng thế giới quyết định chọn Hà Nội – Việt Nam làm địa điểm biểu diễn chứng tỏ họ nhìn thấy những tiềm năng trong việc tiếp cận khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ; năng lực trong khâu tổ chức sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế; năng lực trong đáp ứng các yêu cầu về lưu trú, an ninh an toàn và giao thông đi lại. Các ban nhạc quốc tế luôn có một ê-kíp hùng hậu ở phía sau và bất kỳ sự lựa chọn nào đều được tính toán cũng như cân nhắc rất kỹ.

Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Cần có đột phá mới trong tư duy phát triển! (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội. Ảnh: Toquoc

Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Hà Nội đón các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng đến biểu diễn. Trước đó, từng có các nhóm nhạc như: Backstreet Boys, Westlife, Boney M, The Moffatts, 911, A1, BLUE… Các đêm diễn của họ luôn đạt số lượng khán giả kỷ lục nhưng đều được đảm bảo về an ninh, an toàn và để lại những ấn tượng tốt đẹp. Điều đó cho thấy, Hà Nội của chúng ta ngày nay không chỉ là mảnh đất an toàn, thân thiện, văn minh mà còn đầy tiềm năng và triển vọng về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cũng chứng tỏ nỗ lực của các cấp, ngành Hà Nội trong hiện thực hóa Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Theo ông, việc Hà Nội ngày càng có nhiều dự án âm nhạc và điện ảnh quốc tế lựa chọn sẽ sẽ tạo ra những tiềm năng và lợi thế gì cho Hà Nội trong thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp văn hóa?

- Điều đầu tiên là quá trình hội nhập về văn hóa sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Việc các nghệ sĩ, ban nhạc, nhóm nhạc, đoàn phim… nước ngoài vào Hà Nội, bên cạnh tạo ra những sân chơi để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân thì cũng tạo ra sự hội nhập về văn hóa. Các ban nhạc, các nghệ sĩ của chúng ta sẽ có cơ hội để học hỏi họ và ta cũng có những khía cạnh để họ tham khảo. Điều này sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo.

Tiếp nữa, đây sẽ là cơ hội "vàng" để chúng ta quảng bá văn hóa Việt Nam rộng ra thế giới thông qua những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rộng lớn và thông qua các bộ phim được phát hành trên khắp thế giới. Rõ ràng là khi các nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng đến Việt Nam thưởng thức các cảnh đẹp, các món ăn… và chia sẻ trên trang cá nhân có hàng triệu người theo dõi của họ thì người hâm mộ họ cũng sẽ biết đến những nét văn hóa độc đáo đó của Việt Nam. Đó là chưa kể đến hiệu ứng truyền thông trên báo chí và nền tảng xã hội khi viết về các chương trình biểu diễn của họ thì cũng sẽ giúp người ta biết đến Hà Nội, biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Cần có đột phá mới trong tư duy phát triển! (Bài cuối) - Ảnh 2.

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa mời rất nhiều ban nhạc quốc tế sang Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Monsoon

Thứ ba là định vị thương hiệu quốc gia. Càng có nhiều nghệ sĩ, ban nhạc, đoàn phim nổi tiếng đến tổ chức biểu diễn hoặc ghi hình càng góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam và Hà Nội trong bản đồ lưu diễn của các ngôi sao đẳng cấp thế giới. Càng khẳng định Hà Nội là điểm đến đáng tin cậy vì an toàn, thân thiện, hấp dẫn và có năng lực trong việc tổ chức các show diễn tầm cỡ quốc tế.

Hà Nội cũng sẽ tận dụng được tối đa các tiềm năng sẵn có để phát triển văn hóa thông qua các hình thức hợp tác. Hà Nội là nơi sở hữu lượng di sản văn hóa đồ sộ bậc nhất Việt Nam với 5922 di sản văn hóa vật thể, 1793 các di sản văn hóa phi vật thể, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê. Ngoài ra, Hà Nội còn có hơn 70 không gian sáng tạo đa sắc thái và 52% dân số vàng (đang độ tuổi lao động). Đây chính là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác và và thúc đẩy sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Quan trọng hơn đó là việc này sẽ giúp Hà Nội tăng trưởng về kinh tế thông qua các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Thực tế cho thấy, khi các bạn nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn thì kéo theo đó là lượng người hâm mộ của họ ở nước ngoài cũng đến rất đông. Các dịch vụ về di chuyển, lưu trú, ăn uống, thư giãn… cũng vì thế mà tăng theo. Từ đó, ngành du lịch sẽ có những chiến lược để tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đồng thời kích thích sự tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

Để có thể thu hút ngày càng nhiều các dự án nghệ thuật quốc tế, các nghệ sĩ nói riêng và thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, Hà Nội cần phải thay đổi như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Phải thú thật rằng, công nghiệp văn hóa là một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam. Việc thu hút các dự án nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, các nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc nổi tiếng thế giới qua Hà Nội biểu diễn là sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên và phải có lộ trình cụ thể. Hà Nội hiện nay, bên cạnh những thuận lợi thì cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực thể dục – thể thao cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Có nhiều chính sách vẫn chưa thực sự phù hợp khi đi vào đời sống, nhất là đối với việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, mô hình hình hợp tác công – tư.

Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Cần có đột phá mới trong tư duy phát triển! (Bài cuối) - Ảnh 3.

Hà Nội cần đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, tạo ra những địa điểm biểu diễn đẳng cấp. Ảnh: TL.

Thiết chế về văn hóa - thể thao của Hà Nội vẫn còn thiếu rất nhiều. Cơ sở vật chất và đơn vị có năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế hoặc khu vực ở Hà Nội hiện rất thiếu và yếu.

Mặc dù Hà Nội đã ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhưng những không gian sáng tạo, điểm đến của văn hóa sáng tạo, văn hóa kinh tế… vẫn chưa thể trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế sáng tạo. Bước đầu mới chỉ tập trung vào một số ngành nghề nhất định, có tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế… nên các không gian này chưa có một đời sống sáng tạo mãnh liệt, gắn năng lực sáng tạo với phát triển kinh tế.

Đội ngũ quản lý các cấp có trình độ, am hiểu và kinh nghiệm để chỉ đạo tổ chức các sự kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp và các cá nhân để phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn còn rất thiếu.

Ngoài ra, yếu tố cốt lõi làm nên "chất" Tràng An tao nhã, thanh lịch… đang có biểu hiện phai nhạt trong cơn lốc mở cửa và hội nhập, làm mất đi sức hấp dẫn riêng có của Thăng Long - Hà Nội trong vai trò là một "điểm đến" thân thiện, mến khách...

Thị trường văn hóa cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại…, chưa kể sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngoại lai.

Vậy theo ông, để giải quyết những vấn đề trên, cần có những giải pháp gì?

- Tôi nghĩ rằng, để các văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng và hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô, cần có đột phá mới trong tư duy phát triển cũng như cơ chế, chính sách. Trong những năm qua, Hà Nội đã có những thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách khai mở cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo của thành phố, tuy nhiên, sự thay đổi vẫn là chưa đủ. Cần phải điều chỉnh, bổ sung một số thể chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Sở VH&TT, cũng như kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội để làm sao tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển.

Quan tâm đầu tư hạ tầng để văn hóa phát triển. Hạ tầng nhà hát, quảng trường, trung tâm tổ chức sự kiện… cần được kiểm tra, thống kê và có các phương án đầu tư phù hợp.

Phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển cũng đòi hỏi các chủ thể, các lực lượng tích cực trong lĩnh vực văn hóa tự giác, chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng các cách thức, biện pháp theo một cơ chế phù hợp, nhằm làm cho các nguồn lực văn hóa được khơi dậy, phát triển, lan tỏa, vận dụng có hiệu quả và hiện thực hóa vai trò ngày càng tăng của nguồn lực đó phục vụ phát triển. Cần phải chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… cho văn hóa.

Chúng ta cũng cần tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa, kết nối giữa các địa phương để đưa vào quy hoạch chung; nghiên cứu mô hình chuyển đổi, cải tạo các di sản văn hóa trở thành các không gian văn hóa sáng tạo gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương để tạo lập hoạt động thiết kế sáng tạo trong văn hóa, nghề thủ công phục vụ du lịch, thương mại và phát triển kinh tế địa phương.

Cảm ơn ông Đỗ Đình Hồng đã chia sẻ thông tin!

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: "Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức được hơn 1060 sự kiện văn hóa và thể thao lớn nhỏ, đặc biệt là có nhiều sự kiện mang tính chất chuyên nghiệp, quy mô lớn. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – thể thao mà Hà Nội đã tạo được những hiệu ứng rất tích cực để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Chính những hoạt động này đã góp phần làm cho kinh tế của Thủ đô phục hồi rất nhanh sau đại dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội đã chuyển biến rất tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu của Hà Nội đã đạt 65,88%. Đây chính là một con số rất tích cực. Có được con số này chính là nhờ sự gia tăng của các hoạt động dịch vụ, trong đó có dịch vụ về văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa.

Tổng thể mà nói, sau nửa nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình 06 về phát triển văn hóa và con người Thủ đô và nhận thấy các kết quả đạt được bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề để hoàn thành các miêu tiêu đã đặt ra cho nhiệm kỳ 17 của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội. Điều quan trọng nhất là các hoạt động văn hóa – nghệ thuật; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; di sản vật thể và di sản phi vật thể…. đều được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đó là cơ sở quan trọng để lĩnh vực văn hóa – con người Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển vững chắc và để đạt được mục tiêu văn hóa và con người Hà Nội thực sự là nguồn động lực quan trọng, nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô trong tương lai".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem