Nghịch lý: Hà Nội "tê liệt" vì mưa ngập, loạt dự án thoát nước nghìn tỷ treo tiến độ

Vũ Khoa Thứ năm, ngày 28/09/2023 14:30 PM (GMT+7)
Cơn mưa lớn từ đêm 27 đến ngày 28/9 khiến nhiều hoạt động của người dân Thủ đô bị "tê liệt". do nhiều tuyến phố bị ngập nặng. Trong khi đó, nhiều dự án thoát nước nghìn tỷ của Hà Nội vẫn còn "treo tiến độ". Điều này cho thấy vấn đề thoát nước của Hà Nội chưa có lời giải.
Bình luận 0

Giáo viên tát nước giữa lớp do mưa ngập. Clip do người dân cung cấp

Nhiều hoạt động "tê liệt" vì mưa ngập do không kịp thoát nước

Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTVT Thoát nước Hà Nội về lượng mưa đêm 27 và ngày 28/9, lượng mưa đo được tại các khu vực trên địa bàn Hà Nội là rất cao. Trung bình tại các quận nội thành, lượng mưa đều ở mức trên 50mm/h, cao nhất là quận Hoàng Mai có thời điểm lên đến 105,1mm. Do đó, trong buổi sáng ngày 28/9, gần như các tuyến đường Hà Nội rơi vào tình trạng nước ngập cao. Người dân không thể đi lại một cách ổn định.

Dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ kết hợp với rìa Tây Nam áp cap lục địa, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi lớn hơn. Đồng nghĩa với việc người dân Thủ đô sẽ tiếp tục phải tìm cách đối phó với mưa lớn, ngập úng để tới cơ quan, công sở làm việc.

Hà Nội mưa là ngập: Loay hoay giải đề bài thoát nước - Ảnh 2.

Người dân "chôn chân" tại các điểm ngập úng sáng 28/9.

Trong buổi sáng 28/9, việc đi lại của người dân khắp các tuyến phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, không ít người phải "chôn chân" ngoài đường vì không thể vượt qua các điểm ngập úng. Không những thế, tại một số địa bàn, nước ngập cả vào các công trình khiến hoạt động dạy và học bị ngưng trệ. Trên các trang mạng xã hội, hàng trăm bức ảnh cập nhật tình trạng ngập lụt các tuyến đường. Có người nói đùa rằng "Hiện trên địa bàn thành phố chỉ còn một điểm ngập, đó là toàn bộ Hà Nội".

Hà Nội mưa là ngập: Loay hoay giải đề bài thoát nước - Ảnh 3.

Phụ huynh lội nước đưa con đến trường

Hà Nội mưa là ngập: Loay hoay giải đề bài thoát nước - Ảnh 4.

Tại trường Tiểu học Phú Lương 2, phường Phú Lương, quận Hà Đông, nước ngập vào tận bên trong lớp học

Báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, ngay tại thời điểm xảy ra mưa đêm 27/9, Công ty đã cho mở cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đầm Chuối… và vận hành hợp lý các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, … để hạ mức nước trên hệ thống. Đồng thời triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Đồng thời, phối hợp cùng Công ty thủy lợi Sông Nhuệ vận hành các trạm bơm, cửa phai trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Ngà để hạ mực nước trên lưu vực.

Dù vậy, lượng mưa lớn, cộng với hạ tầng thoát nước gặp nhiều vấn đề nên các phương án chỉ xử lý được cục bộ tại một số điểm.

Hệ thống thoát nước quá tải, xuống cấp sau nhiều năm

Trước đó, liên quan đến công tác thoát nước chung trên toàn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải vẫn tiếp tục xảy ra. Trong đó, các hành vi đấu nối, phá dỡ cống trái phép, mất cắp đan ga. Công tác phối hợp giữa các đơn vị duy trì thoát nước với quận, huyện và các chủ đầu tư thực hiện dự án trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thoát nước đô thị còn chưa kịp thời.

Một số thiết bị, nhà trạm đã đưa vào vận hành nhiều năm, tiềm ẩn sự cố đột xuất bất thường xảy ra trong quá trình vận hành. Tại các trạm bơm đầu mối, một số thiết bị đặc thù không có sẵn trên thị trường khi xảy ra sự cố phải nhận khẩu, đặt hàng nhà sản xuất với thời gian dài. Hệ thống thoát nước một số khu vực sau khi vận hành nhiều năm đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố trên hệ thống. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước, cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để triển khai còn hạn hẹp, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện.

Hà Nội mưa là ngập: Loay hoay giải đề bài thoát nước - Ảnh 5.

Với các trận mưa có lượng mưa từ 50 – 70mm/h, Sở Xây dựng thống kê có 11 điểm úng ngập. Khi mưa lớn hơn, lên tới 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến xuất hiện thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

Liên quan đến câu chuyện quản lý vận hành, bảo trì các công trình thoát nước, chia sẻ với PV Dân Việt, PGS TS Hoàng Thái Đại cho biết, hiện nay vấn đề duy tu công trình hạ tầng cấp, thoát và xử lý nước thải chưa được chú trọng. Theo đó, PGS TS Hoàng Thái Đại cho rằng thông thường, sau khi xây dựng hạ tầng mới, không ít đơn vị "quên mất" quy trình vận hành và bảo dưỡng các công trình về sau. Điều này dẫn đến tình trạng khi hỏng hóc buộc phải thay thế mới, dẫn đến tiết kiệm chi phí bảo trì, nhưng gây tốn kém về sau.

Hàng loạt dự án thoát nước lớn "treo tiến độ"

Nhằm giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, thời gian qua UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc đẩy nhanh triển khai các dự án thoát nước được đặc biệt quan tâm.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã giao trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp tổ chức triển khai, lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá sơ bộ tác động môi trường với 8 dự án. Tổng giá trị gần 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này đến nay còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu thoát nước thành phố.

Mặt khác, hệ thống hạ tầng phụ trợ thoát nước cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đơn cử như tại lưu vực Hữu Nhuệ, Trạm bơm Yên Nghĩa (tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng) dù đến nay đã được lắp đặt 10 tổ bơm, với tổng công suất 120m3/s nhưng không thể hoạt động hết công năng do các công trình phụ trợ như kênh dẫn, kênh xả vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Ngoài ra, thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, còn nhiều vị trí chưa được đầu trạm bơm như Liên Mạc, Liên Trung, Yên Thái, Đào Nguyên, Cao Viên… dẫn đến lưu vực này tồn tại nhiều điểm úng ngập gây rất bức xúc. Thực tế, tình hình ngập úng tại các hầm chui số 3, 5, 6 đường gom Đại Lộ Thăng Long, nút giao An Khánh khiến người dân bức xúc. Mỗi khi mưa lớn 2 bên Đại Lộ tại các vị trí này gần như bị chia cắt.

Lưu vực Tả Nhuệ, hiện nay việc tiêu thoát nước vẫn xử lý bằng hình thức bơm hoặc tự chảy ra sông Tô Lịch. Khi có mưa lớn (khoảng trên 70mm/h), lập tức gây gây ngập tại các vị trí như ngã từ Phạm Hùng – Keangnam, Phùng Khoang.. và các quận huyện trong lưu vực. Tại khu vực này, các trạm bơm thoát nước chưa được đầu tư bao gồm Nam Thăng Long 9m3/s, Ba Xã 20m3/2 cũng như hệ thống các hồ điều hòa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem