Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu đồng lắp thang thoát hiểm

Ngọc Huyền Thứ năm, ngày 12/10/2023 09:22 AM (GMT+7)
Sau vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều phòng trọ, chung cư mini và các cơ sở kinh doanh cao tầng không ngại chi từ chục đến hàng trăm triệu lắp thang thoát hiểm.
Bình luận 0

Vụ cháy chung cư mini tại ngõ Khương Hạ khiến nhiều người thương vong đã gây ra nỗi ám ảnh trong lòng người dân Hà Nội. Sau khi đám cháy diễn ra, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê trọ trên địa bàn thành phố về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Không còn là nỗi lo riêng của các chủ trọ, chung cư mini, nhiều nhà dân cao tầng và hộ kinh doanh tại Hà Nội đều rục rịch lắp thang thoát hiểm để đề phòng bất trắc. Ghi nhận tại đường Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng loạt cơ sở kinh doanh cao tầng, thậm chí nhà riêng đều xây dựng thêm thang thoát hiểm ngoài trời.

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở kinh doanh lắp đặt thêm cầu thang bộ ngoài trời.

Trong các ngõ nhỏ ở Thủ đô những ngày này, nhiều hộ kinh doanh đang tất bật lắp mới các thiết bị. Như chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại Đình Thôn đã chi gần 100 triệu đồng để lắp thang thoát hiểm ngoài trời và các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong nhà.

"Để đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, quán chúng tôi đã cho đóng cửa tạm thời và bổ sung ngay các trang thiết bị. Loại thang thoát hiểm này vừa an toàn, lại rộng rãi, có đủ diện tích cho nhiều người cùng sơ tán trong trường hợp khẩn cấp, giá gần 100 triệu", ông Trần Văn Lâm, bảo vệ của cơ sở kinh doanh cho hay.

Hiện trên thị trường có nhiều loại thang thoát hiểm ngoài trời khác nhau với chi phí lắp đặt, vật liệu dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hai loại thang thoát hiểm phổ biến được nhiều người dân lắp đặt là loại cầu thang bộ ngoài trời và thang thoát hiểm dạng ống đứng, phù hợp với không gian hẹp.

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 3.

Phần tiếp xúc với mặt đất của thang được treo lên, có thể dễ dàng hạ xuống khi khẩn cấp.

Chị Nguyễn Thị Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang cùng chồng con sống trong một căn nhà cao 5 tầng. Dù không kinh doanh cho thuê nhưng chị Hiền vẫn quyết định lắp thang thoát hiểm phụ bên ngoài căn nhà.

"Nhà tôi nằm trong khu dân cư đông đúc, 2 bên tường cũng liền kề với nhà hàng xóm. Vì vậy đành lắp thang thoát hiểm ngay mặt tiền căn nhà. Loại thang tôi chọn là thang inox cố định vào ban công các tầng, chi phí gần 30 triệu, dù hơi tốn những bù lại là sự an toàn của gia đình", chị Hiền chia sẻ.

Tương tự, ông Hà Văn Quyết, trú tại quận Thanh Xuân lo lắng hỏa hoạn xảy ra nên đã tận dụng không gian rộng bên ngoài tòa nhà để lắp thang thoát hiểm hình ziczac.

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 4.

Thang thoát hiểm thường được làm từ inox hoặc khung sắt, có giá từ 20 triệu đồng trở lên.

Với những chủ trọ, để có được sự an tâm ngay trong nơi ở của mình là cả một quá trình thay đổi nhận thức về vấn đề phòng cháy. Với tòa nhà từ 5 tầng trở lên, phương án thoát hiểm bằng thang inox cố định ngay ban công các tầng là thứ được nhiều chủ cho thuê chọn.

Biết tin khu trọ mình ở đã có thang thoát hiểm, nhiều cư dân tỏ ra phấn khởi vì đã có thể yên tâm sinh sống. Chị Trần Thị Diệp (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch: "Khu chúng tôi sống là chung chủ, gia đình tôi ở tầng 6. Nay thấy bác ấy lật đật lắp thang, gọi thợ làm tôi yên tâm hẳn. Thang này là dạng cố định từ ban công. Từ phòng tôi, có thể leo xuống tầng 2 của khu nhà trọ bên cạnh".

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 5.

Thang thoát hiểm là thứ không thể thiếu đối với những công trình cao tầng.

Trên thị trường, một chiếc thang thoát hiểm có tổng chi phí từ ít nhất 20 triệu đồng trở lên, tùy vào vật liệu và vị trí thi công. Sau khi người dân Hà Nội đổ xô lắp đặt loại thang này, nhiều câu hỏi về chất lượng, an toàn được đặt ra bởi chính những người sinh sống, làm việc trong khu vực.

Ghi nhận tại một nhà cao tầng trên đường Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tòa nhà này lắp đặt thang thoát hiểm gắn trên tường nhưng chỉ dừng lại ở tầng 2. Khoảng cách từ thang thoát hiểm đến mặt đất còn khoảng 4m và không có thêm phần thang nào để hạ xuống.

Chị Nguyễn Kiều Trang (người dân sống tại ngõ 39 Đình Thôn) chia sẻ: "Ở đây cũng có một số nhà xây như vậy. Tôi không biết họ sẽ xuống đất an toàn như thế nào khi có hỏa hoạn. Tôi cho rằng việc lắp đặt thang cũng cần đảm bảo điều kiện về an toàn".

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 6.

Thang thoát hiểm tại một tòa nhà cao tầng không tiếp đất.

Hà Nội: Nhiều chủ nhà bỏ cả trăm triệu lắp thang thoát hiểm - Ảnh 7.

Tính từ cầu thang ngoài trời đến mặt đất còn khoảng 2m.

Việc thang thoát hiểm "lửng lơ" giữa trời không phải hiếm. Tại một ngôi nhà trong ngõ 85 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có thang thoát hiểm dừng ở tầng 2 khiến nhiều cư dân nghi ngờ về tính hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện nay, các tòa nhà cao tầng, chung cư mini được phép xây dựng cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài nhưng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Theo đó, khi xây dựng cầu thang thoát hiểm, người dân cần đảm bảo chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, độ dốc (góc nghiêng), vật liệu xây dựng phải được làm bằng vật không cháy... theo quy định tại Tiểu mục 3.4, Mục 3, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem