Hà Nội: "Rót vốn" cho mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, nông dân khá giả lên
Hà Nội: "Rót vốn" cho mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, nông dân khá giả lên
Thu Hà
Thứ tư, ngày 16/12/2020 16:30 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội có điều kiện phát triển sản xuất, tham gia các vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng trọng điểm dự án chăn nuôi giúp nâng cao đời sống và góp phần đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới.
Về xã Song Phượng - xã kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đan Phượng dễ nhận thấy từ đường làng, ngõ xóm bê tông hóa sạch sẽ, đến trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xã đều khang trang... Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến ngày 30/6, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục duy trì là đơn vị 3 năm liền không có dư nợ quá hạn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được củng cố và kiện toàn 246/246 tổ xếp loại tốt và khá, không có tổ xếp loại trung bình, yếu.
Lãnh đạo UBND xã Song Phượng cho biết, để đạt được tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân, sự hỗ trợ từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH có vai trò quan trọng. Ngoài các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo giúp người dân có vốn để trồng trọt chăn nuôi thì các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên cũng rất thiết thực, giúp nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH tại xã Song Phượng đạt hơn 16 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ vốn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình, nguồn vốn của ngân hàng còn thúc đẩy hình thành các dự án chuyên canh cây ăn quả, dự án chăn nuôi do các tổ chức hội, đoàn thể đứng lên tập hợp, kết nối.
Đơn cử như ở thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng nhiều gia đình đã chọn mô hình trồng cây ăn quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ sự hỗ trợ vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH.
Ông Nguyễn Văn Cường (thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng) cho biết: Năm 2016 gia đình ông được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng để phát triển vườn cây ăn quả. Qua nhiều lần mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông Cường đang sở hữu 4 sào bưởi Diễn với hơn 100 gốc. Xen giữa vườn bưởi ông còn trồng thêm ổi, mít và đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nâng cao chất lượng NTM
Cùng với thực hiện tốt Chỉ thị 40, huyện Đan Phượng đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng NTM và hai nhiệm vụ này đã hỗ trợ nhau rất tốt. Sau khi được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM từ năm 2015, đến nay Đan Phượng vẫn tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này nguồn vốn ngân hàng nói chung và tín dụng ưu đãi vẫn mang ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu Bằng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng cho biết: Xác định tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển NTM, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH. Hàng năm huyện đã trích ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng quản lý đạt 352,9 tỷ đồng, tăng 48,9 tỷ đồng so với đầu năm 2020.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 338,2 tỷ đồng, tăng 48,2 tỷ đồng so với cuối năm 2019, với 8.980 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Công tác cho vay, thu nợ thu lãi chủ yếu được ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội thông qua 246 tổ tiết kiệm vay vốn và được triển khai ở các điểm giao dịch cố định đặt tại 16 xã, thị trấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.