Hà Nội: Trồng rau, hoa, 1ha đất ở Gia Lâm thu nhập hơn 300 triệu nhờ công nghệ sinh học

Nhật Minh Thứ tư, ngày 19/08/2020 17:57 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã ứng dụng thành công các thành tựu của công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp như sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; ứng dụng các loại phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm và các sản phẩm khác có nguồn gốc sinh học...
Bình luận 0

1ha thu nhập 309 triệu đồng/năm

Theo báo cáo của huyện, thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020, đến nay tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch Đề án là trên 5.214ha, trong đó lúa hơn 1.601ha, chiếm 30,52% diện tích; cây ăn quả 1.600ha, rau hơn 636ha, diện tích VAC 278,12ha, hoa cây cảnh 132ha…

Công nghệ sinh học đổi thay nông nghiệp Gia Lâm  - Ảnh 1.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhã (thôn Ðông Dư Thượng, xã Ðông Dư, huyện Gia Lâm) có 2 sào ổi. Mỗi năm, chi phí đầu tư trồng ổi hơn chục triệu đồng, nhưng thu về khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Cùng với các lĩnh vực khác, việc ứng dụng thành tựu của công nghệ sinh học đã đem lại những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, góp phần xây dựng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới, là tiền đề thuận lợi để hoàn chỉnh các tiêu chí, nhằm đưa Gia Lâm lên quận vào năm 2025.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ khi có quy hoạch vùng sản xuất tại Gia Lâm đến nay nhìn chung có chuyển biến tích cực. 

Theo đó, huyện đã chuyển đổi được 2.880ha/4.543ha, với những vùng cây ăn quả nổi tiếng như Đông Dư, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Phù Đổng; hoa cây cảnh Trung Mầu, Phù Đổng, Kim Lan; rau an toàn Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên, Cổ Bi và đều đem lại giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai 120 lớp tập huấn an toàn thực phẩm, thông tin thị trường, IPM trên cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau an toàn; triển khai 41 mô hình thử nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng 7 xã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, hình thành 14 vùng sản xuất cây ăn quả với quy mô từ 20ha trở lên; hình thành 5 vùng rau tập trung quy mô từ 20ha trở lên và thành lập được 125 tổ nhóm PGS để chỉ đạo giám sát nông dân cùng tham gia sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả là giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên 1ha năm 2019 của huyện đạt rất cao, bình quân 309,22 triệu đồng/ha, tăng 106,22 triệu đồng/ha/năm so với năm 2016 (203 triệu đồng/ha), tức tăng 1,52 lần. 

Trong đó, giá trị sản xuất rau, quả chuyên canh đạt 400-500 triệu đồng/ha; một số mô hình có thu nhập cao từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tại xã Kiêu Kỵ, Yên Viên, Lệ Chi.

Ưu tiên đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ

Về chăn nuôi, huyện đã triển khai ứng dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, các giống vật nuôi có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Phương pháp thụ tinh nhân tạo trong phát triển chăn nuôi gia súc đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, nâng cao năng suất; sử dụng công nghệ tinh phân ly giới tính trong phát triển chăn nuôi bò sữa giúp tăng tỷ lệ sinh ra bê sữa cái lên hơn 90%; ứng dụng công nghệ cấy chuyên hợp tử trong chăn nuôi bò thịt giúp đẩy nhanh tiến độ lai tạo các giống bò siêu thịt chất lượng cao trên nền đàn bò cái lai Sind, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt bò...

Hiện nay, huyện Gia Lâm đã trở thành nơi cung cấp sữa tươi chủ yếu cho nhà máy sữa Vinamilk đóng trên địa bàn. Các mô hình phát triển kinh tế như kinh tế trang trại, trồng rau an toàn, chăn nuôi... có hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Minh chứng là huyện đã được TP.Hà Nội công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Lãnh đạo huyện cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư "về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và áp dụng chính sách quan tâm, thu hút, đa dạng hoá các nguồn đầu tư ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống. Ưu tiên đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, y tế và bảo vệ môi trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem