Ngô Khiêm
Chủ nhật, ngày 31/10/2021 09:57 AM (GMT+7)
Những ngày Hà Nội trở mình, tiết trời cuối thu dịu dàng, không khí trong lành. Khi trời sẩm tối, cơn gió se lạnh tràn về thành phố cũng là lúc mùi hoa sữa nồng nàn đặc trưng toả hương.
Gió mùa Đông Bắc tràn về mang đến cho mỗi người sống ở Thủ đô một cảm giác rất đặc biệt, bởi đã quá lâu rồi chúng ta phải sống trong cái "nóng" – cái nóng của tiết trời, cái nóng của dịch bệnh… Và "điểm tô" cho không khí se se lạnh ấy là mùi hoa sữa đặc trưng đang ngập tràn khắp phố phường như mời gọi, như níu giữ những gì rất… Hà Nội.
Loài hoa đầy thương nhớ
Lại nhớ cách đây 3 năm trước khi tiết trời Hà Nội cũng như độ này, trong không gian đầy ắp "chất" Hà Nội tại nhà riêng với hương thơm của trà sen, với tiếng Piano du dương, với chiếc tủ cũ ngồn ngộn sách, với những bức tranh phố cổ Hà Nội…, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã tiếp tôi trong sự chân tình, cởi mở, mến khách. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi cũng là lúc tiếng Piano tạm "nhường lời" cho giai điệu bài hát "Hoa sữa tình đầu" của nhạc sĩ Phạm Việt Long (thơ Nguyễn Phan Hách) vang lên.
Dù khi ấy đã ở tuổi 75 nhưng giọng ông vẫn nghẹn ngào khi kể về sự ra đời của bài thơ "Hoa sữa" từ năm 1980 gắn với mối tình đẹp của ông. Ngày ấy ông công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn và bất chợt có buổi lang thang trên phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa, người thi sĩ đa tình nhớ về mối tình với cô nữ sinh từng khước từ tình cảm của mình năm xưa. Khi ấy Hà Nội còn rất vắng vẻ, hai người đạp xe trên con phố thơ mộng này để "Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc"…
Bài thơ đã như nói hộ tình cảm của rất nhiều đôi nam nữ thời đó và cũng vì thế nó đã được biết bao cô cậu học trò chép trong cuốn sổ lưu niệm. Có một chi tiết khá thú vị mà tôi được nghe ông kể là dạo đó sau đúng 50 năm xa cách ông được gặp lại "nàng thơ" trong bài thơ "Hoa sữa" của mình.
Ông bất ngờ khi nàng nói, sống ở Sài Gòn mỗi khi nhớ Hà Nội nàng lại mang bài thơ "Hoa sữa" ra đọc. Như vậy có thể nói rằng bài thơ đã không chỉ bày tỏ tình yêu đôi lứa mà còn lưu giữ nét riêng, độc đáo mà mỗi người đi xa vẫn thường tìm lại Hà Nội của chính mình trong ấy.
Nếu như nhà thơ Nguyễn Phan Hách viết bài thơ "Hoa sữa" từ chính mối tình của mình thì nhạc sĩ Hồng Đăng lại sáng tác bài hát "Hoa sữa" từ "đơn đặt hàng" làm nhạc cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Đức Hoàn.
Dường như khi ấy ông cũng chưa biết hoa sữa thế nào mà chỉ nghe gợi ý từ một người bạn "ở Hà Nội có một loại hoa cứ đến mùa Thu lại thơm hay ông thử viết về nó đi". Với trí tưởng tượng tuyệt vời của mình, người nhạc sĩ xứ Nghệ đã sáng tác rất nhanh bài hát này với hàm ý nói về một mối tình đẹp của đôi nam nữ Hà Nội khi vừa tốt nghiệp đại học thì phải xa nhau để lên vùng cao công tác.
Có lẽ giờ đây nhiều người cũng không còn nhớ nội dung bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" thế nào nữa nhưng ca khúc "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng thì vẫn vang lên mỗi độ Thu về.
Chính sự lan tỏa của ca khúc này mà nhiều người đã đặt cho ông biệt danh "người "định vị" hoa sữa cho Hà Nội" và nghiễm nhiên hoa sữa được nâng lên như một biểu tượng nét đẹp của mùa Thu Hà Nội.
Nhưng cũng vì quá yêu thích ca khúc này mà qua từng năm tháng số lượng cây hoa sữa trên các tuyến phố lại được trồng nhiều thêm để rồi từ loài hoa "ngọt ngào đầu phố đêm đêm" đến nay đã trở nên nồng nặc, hăng hắc.
Nhưng mà khi ở đâu đó có những lời phàn nàn vì mùi hương khó chịu của loài hoa này thì tôi lại thấy ấm lòng hơn khi đọc được dòng chia sẻ của những người bạn từng học tập, công tác tại Thủ đô nhưng vì nhiều lý do mà giờ phải rời xa mảnh đất này.
Họ tâm sự với tôi rằng: "Mùa này chắc Hà Nội đẹp lắm nhỉ? Mình nhớ Hà Nội và mùi hoa sữa vô cùng!". Rõ ràng với họ thì hoa sữa đã là một phần ký ức không thể nào quên của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê. Và bỗng nhiên tôi cảm thấy thật may mắn, tự hào khi đang được sống giữa thành phố ngập tràn hương vị của loài hoa đầy thương nhớ này.
Hoa sữa sau này đã đi vào nhiều sáng tác âm nhạc, như: "Nhớ mùa Thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, "Em ơi! Hà Nội phố" của nhạc sĩ Phú Quang, "Nồng nàn Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, "Hà Nội 12 mùa hoa" của nhạc sĩ Giáng Son… Và thật tình cờ khi tôi đang gõ những dòng chữ này một cô bạn đã gửi cho tôi bản thu ca khúc "Hà Nội của tôi" của nhạc sĩ Tiến Minh mà ở đó hoa sữa được nhắc đến lãng mạn, đầy chất thơ: "Hoa sữa rơi hay là hương tóc em?".
Sự tích hoa sữa
Nếu tìm hiểu sự tích của cây hoa sữa thì thật thú vị làmùi hương hấp dẫn của nó chính là những lời tâm tình mà cô gái Hà thành yêu đơn phương muốn gửi tới người yêu của mình. Cô gái thầm yêu chàng trai hàng xóm nhưng không dám thổ lộ mà chỉ tâm tình với cái cây trước cửa nhà – loài cây không bao giờ ra hoa.
Nhưng rồi một ngày gió lạnh, cô bỗng nhận được tin người mình thầm yêu trộm nhớ đã đính hôn với một người con gái khác. Đau đớn, thất vọng và buồn tủi, cô gái đã lìa bỏ trần thế. Linh hồn cô nương náu ở trong thân cây trước nhà. Vậy là từ đó cứ mỗi độ Thu về loài cây này lại nở rộ hoa thành từng chùm bông trắng tinh khiết. Hương thơm man mác của hoa sữa gợi nhắc về chuyện tình yêu thầm kín dang dở, vừa buồn thương lại vừa đẹp.
Ngẫm nghĩ lại câu chuyện này, tôi lại thấy hiện lên những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Hà thành truyền thống – luôn sắt son, nghĩa tình, thủy chung, chịu đựng, ý nhị, tinh tế…
Bước vào thời buổi nam nữ bình đẳng như hiện nay thì việc người phụ nữ chủ động trong tình yêu cũng là điều hết sức thường tình. Nhưng có lẽ với người phụ nữ được sinh trưởng trong một gia đình Hà thành truyền thống, nền nếp, phép tắc; được lớn lên trong niềm tự hào: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì mọi tính nết từ xưa đến nay vẫn vậy.
Đó dường như cũng là nét đặc trưng riêng có mà chúng ta chỉ tìm thấy ở những người phụ nữ Hà thành truyền thống – những người đã làm biết bao đấng nam nhi phải động lòng, phải đắm say, mê mẩn, thương nhớ cả một đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.