Hà Nội: Vì sao hàng nghìn hộ dân sống giữa 2 nhà máy nước phải đi mua từng can, chậu nước sinh hoạt?
Hà Nội: Hàng nghìn hộ dân sống giữa 2 nhà máy nước lớn nhất miền Bắc lại phải mua từng can, chậu nước sinh hoạt
Thứ bảy, ngày 27/05/2023 18:47 PM (GMT+7)
Hàng ngàn hộ dân ở nhiều xã thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) đang phải mua từng can, chậu nước sinh hoạt, mặc dù sống ngay cạnh sông Đà và giữa hai nhà máy cấp nước sạch lớn ở miền Bắc…
Hàng ngàn hộ dân ở nhiều xã thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) đang phải mua từng can, chậu nước sinh hoạt, mặc dù sống ngay cạnh sông Đà và giữa hai nhà máy cấp nước sạch lớn ở miền Bắc…
Ngày 24/5, nhiều người dân sống tại các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt, Phú Sơn… của huyện Ba Vì (Hà Nội) phản ánh, họ đang phải mua từng gáo, can, xô, chậu… nước sinh hoạt với giá kỷ lục là 250.000 đồng/3 khối nước giếng khơi. “Có lẽ nhiều người nghĩ rằng làm gì có nơi nào bán giá nước sinh hoạt cao ngất ngưởng vậy, lại chỉ là nước giếng khơi”, một người dân chia sẻ. Nhưng đó lại là sự thật.
Nhiều gia đình đã phải mua nước từ trước Tết Nguyên đán, giá ban đầu còn “nhẹ nhàng” 160.000 đồng/3 khối, nhưng gần đây đều tăng vọt lên 200.000 đồng/3 khối. Hiện nay thì họ phải mua với giá 250.000 đồng/3 khối mà còn phải “đặt hàng” trước 1-3 ngày mới có.
“Mất điện đã vất vả, không có nước sạch càng khổ sở hơn, cuộc sống bỗng dưng bị đảo lộn, nhất là trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt năm nay”, những người dân ở xã Cẩm Lĩnh phản ánh.
Nguyên nhân "khát nước" nghiêm trọng là do hiện nay, nhiều xã ở huyện Ba Vì vẫn đang phải dùng nước giếng khơi (hoặc khoan) mà chưa có nước máy. Bỗng năm nay đại hạn, hàng loạt hồ, ao, đầm đều cạn kiệt, có đến 99% giếng khơi của người dân không còn giọt nước.
Cả xã Cẩm Lĩnh có hơn 3.400 hộ dân, nhưng hiện tại chỉ vài gia đình có giếng khơi còn nước, nên các gia đình phải kéo về đây mua nước để ăn uống với giá leo thang từng ngày.
Một số người dân ở xã Cẩm Lĩnh cũng cho rằng, cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan thì nguồn nước ngầm cạn sạch còn do nguyên nhân dự án nạo vét lòng sông Tích chảy qua địa bàn đã “rút” mất mạch nước ngầm của các giếng khơi.
Trao đổi với PV ngày 24/5, ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng, hồ Suối Hai (diện tích mặt khoảng 10km2, dung tích khoảng 100 triệu m3) trên địa bàn cũng đã cạn trơ đáy, nhiều hộ dân ở địa phương đang phải mua nước giếng khơi với giá tới gần 100.000 đồng/khối. Ước tính đang có 1/3 tương đương hơn 1.000 hộ dân của xã Cẩm Lĩnh bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo ông Khánh và nhiều người dân, ở xã này và một số xã lân cận không có trạm cấp nước riêng. Muốn có nước máy, cần phải đấu nối nguồn với Nhà máy nước sạch sông Đà (ở xã Phú Sơn) bên cạnh, nhưng chưa đấu nối. Đồng thời, Ba Vì cũng là huyện nằm kề sát Nhà máy nước sạch sông Đà của Vinaconex (ở xã Thịnh Minh - TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Nhà máy này đang cấp nước cho hầu hết khu vực phía Tây Hà Nội.
Như vậy, hiện nay nhiều xã ở Ba Vì đang nằm giữa 2 công trình cấp nước rất quy mô, nhưng lại không hề có nước máy, mà vẫn phải sống dựa hoàn toàn nguồn giếng khơi, giếng khoan, bể chứa nước mưa.
Người dân lo ngại, năm nay El Nino sẽ kéo dài, tình trạng hạn hán sẽ căng thẳng, việc cắt điện luân phiên chắc chắn sẽ có, nhưng không có nước sử dụng mới là việc cấp thiết nhất hiện nay. Người dân đề nghị UBND TP Hà Nội và huyện Ba Vì có giải pháp tiếp tế nước sinh hoạt tạm thời để vượt qua mùa hè khô khát này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.