Tiếp vốn Ngân hàng CSXH trồng cam, nuôi hươu cho nông dân Hương Sơn
Đầu Xuân mới, chúng tôi có chuyến đi cùng cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn kiểm tra thực tế việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách và thấy rõ hiệu quả của nguồn vốn này đối với người dân nơi đây, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đang góp phần tạo nên những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân.
Tín dụng ưu đãi giúp nhiều nông dân tại huyện Hương Sơn có điều kiện mở rộng diện tích trồng cam, mang lại năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Trần Giáp
Chúng tôi đến thăm gia trại của anh Hà Mạnh Dũng, ở thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa, khi anh vừa được vay 90 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn này, vợ chồng anh đầu tư trang trại nuôi trâu, cải tạo vườn đồi trồng, chăm sóc diện tích cam hiện có.
Anh Hà Mạnh Dũng cho biết: Gia đình tôi vốn là hộ nghèo của xã, trước đây, được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cam, nuôi trâu. Nay gia đình tôi đã thoát nghèo và được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, mở thêm cơ hội cho gia đình phát triển kinh tế. Giờ đây, cuộc sống gia đình anh Dũng dần trở nên khá hơn.
Gia đình anh Hà Mạnh Dũng là một trong số hàng nghìn hộ dân huyện Hương Sơn đang thắp lên hy vọng làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Những khoản vay ưu đãi không chỉ là trợ lực cho các hộ thoát nghèo bền vững, mà còn là điểm tựa vững chắc để các hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
ũng nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn, gia đình chị Phan Thị Hoài thôn 1, xã Sơn Trường đã có kinh tế ổn định hơn. Chị cho biết, năm 2014, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo để mua bò và hươu về nuôi sinh sản. Sau 4 năm, đàn hươu đã sinh sản được 3 con, chị bán và trả nợ hết ngân hàng.
Năm 2019, chị Hoài tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Hiện tại, gia đình chị vẫn duy trì nuôi 1 con bò và 4 con hươu, thu nhập từ chăn nuôi đã mang lại cho gia đình chị cuộc sống khấm khá hơn.
Những chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi được Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn công khai ngay tại các Điểm giao dịch xã. Ảnh: Trần Giáp
Chị Hoài chia sẻ: "Trước đây, gia đình nghèo lắm, từ khi được vay vốn Ngân hàng CSXH và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc đàn vật nuôi, nên gia đình tôi đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào chăn nuôi; giờ đây kinh tế của gia đình đã từng bước ổn định, vợ chồng tôi chỉ tập trung chăn nuôi và làm thêm nghề phụ để phát triển kinh tế gia đình".
Hơn 14.710 hộ đang vay vốn Ngân hàng CSXH
Bà Đào Thị Thái Bình - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn cho biết: "Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả".
20 mùa xuân đồng hành cùng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi; thực hiện chủ trương công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động tín dụng chính sách, bảo đảm nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Việc cho vay, thu nợ, thu lãi được cán bộ ngân hàng thực hiện giao dịch trực tiếp ở Điểm giao dịch tại UBND cấp xã với thủ tục nhanh gọn, đúng quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Từ đồng vốn ưu đãi, cuộc sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã không ngừng được nâng lên; hơn thế, vốn chính sách đã tiếp thêm khát vọng, ý chí vươn lên phát triển kinh tế.
Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đạt trên 586 tỷ đồng, với 14.710 hộ đang vay vốn. Việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì thế, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện luôn luôn tự ý thức "rèn đức, luyện nghề, sáng tạo", mỗi cán bộ đều hun đúc ý chí, khát vọng "nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng ưu đãi" với tâm niệm "Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ", các cán bộ Ngân hàng CSXH đang cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác viết tiếp những ước mơ, khát vọng đổi đời, để những mùa xuân, cái tết ấm áp luôn về với mọi người, mọi nhà…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.