“Hacker” mạo danh đăng bài trên trang cá nhân của người khác có bị xử lý hình sự?

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 06/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Cư dân mạng chưa hết bức xúc về việc nghệ sĩ Đức Hải đăng tải những lời nói tục tĩu, không chuẩn mực trên trang cá nhân thì nay lại tiếp tục “nóng máu” với câu bình luận chửi khán giả “vô ơn” của con trai nghệ sĩ Hoài Linh. Hai trường hợp này đều đính chính là tại… “hacker”. Vậy, hacker có trách nhiệm thế nào trước pháp luật?
Bình luận 0

Tất cả tại… hacker?

Cách đây ít ngày, trên trang cá nhân của NSƯT Đức Hải có một bài đăng gây xôn xao dư luận với nhiều lời nói thô tục, không đúng chuẩn mực của một nghệ sĩ ưu tú, càng không phù hợp với tác phong của một nhà giáo. Điều này đã khiến Đức Hải bị dư luận ném đá dữ dội, đòi tẩy chay và yêu cầu cấm diễn…

“Hacker” mạo danh đăng bài trên trang cá nhân của người khác có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

NSƯT Đức Hải và bài viết gây xôn xao mạng xã hội vì lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa

Trước sự phản ứng của dư luận, NSƯT Đức Hải khẳng định tài khoản Facebook của mình bị hack và họ tự đăng tải nội dung trên. Ông cho biết, bài đăng đã đẩy ông vào những lùm xùm và bị dư luận công kích. Hiện tại, ông đang tìm cách để lấy lại Facebook, nếu sự việc ảnh hưởng đến hình ảnh của mình, ông sẽ nhờ công an vào cuộc để làm rõ.

Câu chuyện của nghệ sĩ Đức Hải chưa kịp lắng xuống, thì dư luận tiếp tục dậy sóng trước lời bình luận của Thành Vinh - con trai nghệ sĩ Hoài Linh. 

Theo đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn bình luận qua lại giữa diễn viên hài Trần Nam Thư và con trai nghệ sĩ Hoài Linh. 

Khi Nam Thư nói: "Cuối cùng cũng đã giải ngân xong, nhẹ nhõm", thì Thành Vinh đáp lại: "Phải như thế mới vừa lòng đám người vô ơn chị ơi. Bố em một đời lao tâm cống hiến, nay đã mệt rồi. Hết dịch bố sẽ về Mỹ ở luôn".

“Hacker” mạo danh đăng bài trên trang cá nhân của người khác có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Bình luận được cho là của Thành Vinh – con trai nghệ sĩ Hoài Linh nói khán giả là "đám vô ơn"

Những câu nói này khiến cộng đồng mạng hết sức bức xúc, họ cho rằng con trai nghệ sĩ Hoài Linh ám chỉ khán giả, những người quyên góp tiền làm từ thiện là "đám người vô ơn". Không ít những lời bình luận, chỉ trích gay gắt dưới những câu nói này.

Ngay sau đó, Thành Vinh đã có bài đăng đính chính trên trang cá nhân. Anh cho rằng đây là sản phẩm của photoshop, đồng thời anh nhấn mạnh bản thân đủ nhận thức để biết nên nói gì và bình luận gì trên mạng xã hội.

Hacker có thể đi tù nếu mạo danh tài khoản

Thực hư việc nghệ sĩ Đức Hải có viết bài hay không, hoặc con trai nghệ sĩ Hoài Linh có bình luận như vậy hay không… thì chưa ai rõ. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều đổ lỗi tại hacker, hoặc bị giả mạo… nhằm hãm hại và hạ thấp uy tín của họ. Vậy, trong trường hợp này, hacker sẽ chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?

Theo luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi giả mạo tài khoản cá nhân của người khác (có gây ra hậu hay không) đều được xem vi phạm pháp luật. 

Các đối tượng làm giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân đều bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006). Đồng thời, nếu hành vi giả mạo này gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần thì sẽ bị buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của luật dân sự (theo Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật dân sự).

“Hacker” mạo danh đăng bài trên trang cá nhân của người khác có bị xử lý hình sự? - Ảnh 4.

Luật sư Lê Bá Thường cho rằng, hành vi giả mạo tài khoản cá nhân của người khác là phạm pháp, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Tại điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, người có hành vi làm giả trang cá nhân của người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu việc giả mạo trang cá nhân của người khác gây ra thiệt hại, thì người giả mạo phải bồi thường thiệt hại bao gồm vật chất và sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, hoặc tính mạng của người bị giả mạo. Mức bồi thường phải căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra (phải chứng minh được).

Ngoài mức bồi thường thực tế như trên, người giả mạo phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần theo thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ bị ấn định với mức tối đa theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu/tháng (NQ 128/2020/QH14). 

Theo đó, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590 BLDS 2015): Tối đa 50 lần mức lương cơ sở, số tiền là 74,5 triệu; Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591 BLDS 2015): Tối đa 100 lần mức lương cơ sở, số tiền là 149 triệu; Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 592 BLDS 2015): Tối đa 10 lần mức lương cơ sở, số tiền là 14,9 triệu.

Đặc biệt, những người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người thực hiện hành vi giả mạo Facebook, Instagram, website… để xúc phạm danh dự người khác sẽ bị tội "làm nhục người khác", mức phạt từ 10-30 triệu và bị tù đến 2 năm (Điều 155 BLHS 2015). Nếu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (Ví dụ để khách hàng hiểu lầm chuyển tiền mua bán hàng hóa cho người giả mạo) thì có thể bị tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Mức hình phạt cao nhất là tù chung thân tùy theo hậu quả nghiêm trọng đến mức độ nào.

Luật sư Thường nhận định, những nạn nhân bị giả mạo trang cá nhân cần chụp lại hình ảnh trang giả mạo và có thể nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng để có chứng cứ. Tiếp theo, người bị giả mạo nên gửi thông báo cho bộ phận quản lý Facebook để họ xóa bỏ tài khoản giả mạo, đồng thời có thể dùng vi bằng đã lập để khởi kiện ra toà án.

Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin, việc đánh cắp (hack) tài khoản cá nhân như Facebook, Instagram… bây giờ rất đơn giản, không nhất thiết phải là hacker chuyên nghiệp mới làm được. Bởi vì chỉ cần sử dụng một số phương pháp cơ bản như: lập ra website, đường link, ứng dụng giả mạo… rồi gửi cho người dùng xin cấp quyền truy cập. Nếu người dùng đăng nhập vào các ứng dụng này, họ sẽ lấy được thông tin và sử dụng để xác thực với Facebook, Instagram… để chiếm tài khoản.

Chắc chắn người dùng mạng xã hội sẽ thường gặp những đường link như dự đoán vận mệnh tương lai, web đăng ký nhận quà miễn phí, web chơi thử game mới, link nhận quà 10 năm thành lập… Nếu người dùng đăng nhập vào các đường dẫn này để đăng ký, vô tình sẽ trao thông tin cá nhân của mình để hacker chiếm tài khoản. Mặt khác, hầu hết người dùng hiện nay đều không bảo mật tốt tài khoản, mật khẩu thì đơn giản, lại được sử dụng chung cho nhiều tài khoản, vì vậy rất dễ bị hack tài khoản.

Để bảo vệ tài khoản, người dùng nên lưu ý thay đổi mật khẩu có mức độ bảo mật cao hơn, có nhiều ký tự đặc biệt, đồng thời không nên dùng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Ngoài ra, người dùng nên thiết lập bảo mật nhiều yếu tố, xác thực qua tin nhắn điện thoại, email. Người dùng cũng cần cẩn trọng, không nên đăng nhập vào các đường link, website lạ, không tải các ứng dụng lạ…

“Nên nhớ, hacker không dùng các lệnh gõ trên bàn phím như trong phim để xuyên qua bảo mật tài khoản, mà họ hack từ yếu tố con người. Lỗ hổng của tài khoản rất ít, còn lỗ hổng của người dùng thì vô kể” – một chuyên gia công nghệ cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem