Hai cách nhìn về “bệnh viện chưa chất lượng”

Quốc Ngọc Thứ ba, ngày 13/09/2016 17:22 PM (GMT+7)
“Những bài học đau xót xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, những bệnh viện đầu ngành có chất lượng chuyên môn rất tốt, nhận được tin tưởng, khen ngợi của người dân, nhưng chỉ vì một vài sự cố đã làm ảnh hưởng đến uy tín cả ngành y” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện diễn ra từ 12-13.9 tại Tp HCM. Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật ngành y tế EU (EU-HF) tổ chức.
Bình luận 0

Chất lượng song hành giá cả

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đặt ưu tiên đầu tư cho chăm sóc sức khỏe y tế, xem đó là tiền đề cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Ngành y tế Việt Nam nỗ lực xây dựng một nền y tế “công bằng, hiệu quả và chất lượng”.

img

Quá tải là 1 trong những nguyên nhân khiến bệnh viện Việt Nam chưa đạt chất lượng. Ảnh minh họa: Quốc Ngọc

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, vẫn còn những hạn chế và thách thức. Một số vấn đề nổi cộm gần đây liên quan đến tinh thần, thái độ giao tiếp, ứng xử của một bộ phận người làm việc trong bệnh viện chưa tốt. Việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Việc mổ nhầm, trả kết quả nhầm và các sai sót y khoa xảy ra, thậm chí tại cả những bệnh viện đầu ngành.

“Rủi ro y khoa có thể đến từ bất kỳ hoạt động nào của bệnh viện. Thực tế đã xảy ra sự cố từ chất lượng dịch vụ, cho đến khâu nhân viên bảo vệ, phòng ốc ẩm mốc, nhà vệ sinh mà không vệ sinh… và cả đến các sự cố về chất lượng lâm sàng như nhầm người bệnh” - bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng, các mặt yếu kém trên là hậu quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng chủ yếu là do nhân lực y tế chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Giường bệnh nội trú còn thiếu so với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, BHYT, viện phí chậm đổi mới nên chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. Đó là chưa kể mặt trái của việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, khiến áp lực công việc căng thẳng đối với nhân viên y tế, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với lao động nghề y. Để nâng cao chất lượng, yếu tố tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Chất lượng và giá cả là hai yếu tố song hành chặt chẽ. Với việc điều chỉnh giá viện phí, ngành y tế hy vọng có thêm nguồn lực để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới.

Đam mê giúp đỡ người khác

Bà Paula Wilson - Chủ tịch kiêm CEO của JCI (Joint Commission International) nhận định, điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng bệnh viện và an toàn bệnh nhân, chính là nhận thức “có muốn thay đổi hay không” của lãnh đạo các bệnh viện. “Hệt như việc rửa tay vậy. Ai cũng biết đó là biện pháp đơn giản nhất để ngăn ngừa nhiều dịch bệnh. Thế nhưng, để thực hiện được điều đó trong toàn bệnh viện thì lại hết sức khó khăn. Nó chỉ được thực thi tốt nếu xuất phát từ ý thức của người đứng đầu, lan tỏa cho toàn nhân viên”, bà Wilson dẫn chứng.

Trên thực tế, sau 3 năm, khi khảo sát và đánh giá lại, có khoảng 10% bệnh viện không thể tiếp tục đạt chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI. Và hầu hết các bệnh viện này đều rơi vào tình huống ban giám đốc của bệnh viện đó bị thay đổi. Kế đến, với các tiêu chuẩn gắt gao về cơ sở vật chất, các bệnh viện công thường gặp khó khăn về tài chính (từ ngân sách) để có thể đạt JCI.

Với JCI, một bệnh viện phải hướng đến mức độ an toàn như một hãng hàng không. Nghiên cứu vấn đề an toàn giữa hai ngành này, bà Paula cho biết JCI rút ra khác biệt lớn giữa văn hóa hàng không và y tế. Trong khi ngành hàng không đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu và không thể chấp nhận sai lầm, thì ngành y tế lại luôn quá tự tin cho rằng mình không thể mắc sai lầm. “Phải thay đổi văn hóa này. Người làm ngành y phải biết sợ sai lầm để hướng tới mục tiêu an toàn tuyệt đối, kéo rủi ro xuống con số không”, bà Wilson nêu quan điểm.

Khó khăn lớn nhất của những người làm việc trong ngành y, theo bà Wilson, chính là làm sao có được niềm đam mê hỗ trợ, giúp đỡ người khác. “Mỗi sáng thức dậy, từ lãnh đạo cho đến từng nhân viên một bệnh viện đạt JCI phải luôn nghĩ đến việc tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân. Khi đó, chắc chắn chất lượng và độ an toàn ngày càng được nâng lên”, bà nói.

Theo Bộ Y tế, cả nước có 1.300 bệnh viện, 250.000 giường bệnh, với hơn 150 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú, 15 triệu lượt bệnh nội trú và 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm, việc quản lý chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh là một thách thức rất lớn đối với ngành.

Hiện có khoảng 900 bệnh viện trên toàn thế giới, không phân biệt công tư, đạt được chứng nhận này. Tại Việt Nam, chỉ mới có 3 bệnh viện tư nhân đạt được chứng nhận JCI, trong đó có 2 bệnh viện ở TP.HCM và 1 ở Hà Nội. Hiện chưa có bệnh viện công nào ở Việt Nam tiếp cận với chứng nhận JCI.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem