Hải Dương: Trồng rau gì mà cây đều tăm tắp, củ đỏ như son, thương lái xuống tận ruộng "cân tất"?

Thi Ngọc Thứ bảy, ngày 18/12/2021 19:01 PM (GMT+7)
Cứ mỗi năm đến mùa cà rốt là người dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lại nhộn nhịp bên những luống cà rốt đều tăm tắp. Cà rốt không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà thứ củ đỏ như son này còn là điểm sáng để bao khách tham quan tìm đến nơi đây.
Bình luận 0

Nông dân trồng cà rốt quý đất như con

Đến với Đức Chính là đến với đất đai trù phú, con người luôn chăm chỉ, cần mẫn, hăng say lao động. Các cánh đồng trồng trọt được cơ giới hóa và sản xuất theo công nghệ cao. Người dân ở đây luôn tự hào về cách làm nông nghiệp của họ.

Mùa này Đức Chính đẹp lắm. Dọc hai bên ven đường là những tấm thảm nhung xanh trải dài bất tận. Đó chính là những cánh đồng cà rốt đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. 

Dưới cánh đồng, bà con nông đang làm việc rất hăng say, nhộn nhịp. Người thì làm cỏ, người vãi đạm, người thì điều khiển máy tưới nước chăm bón cho cà rốt… Mỗi người một việc nhưng ai nấy đều rất vui vẻ và trong mắt ánh lên một niềm tin vào vụ mùa bội thu sắp tới.

Hải Dương: Trồng cây gì mà thương lái phải đến tận vườn đặt mua, nông dân đổi đời qua mỗi vụ - Ảnh 1.

Những cánh đồng cả rốt xanh mướt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng ( Hải Dương). Thi Ngọc

Hải Dương: Trồng cây gì mà thương lái phải đến tận vườn đặt mua, nông dân đổi đời qua mỗi vụ - Ảnh 2.

Người dân xã Đức Chính đang hăng say lao động và nói chuyện vui vẻ trên cánh đồng. Ảnh: Thi Ngọc

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Thưởng, chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Đức Chính có khoảng hơn 300ha đất trồng cà rốt gồm 2 khu trong đê và ngoài bãi. Trong đó, toàn bộ phía ngoài bãi là chỉ có trồng cà rốt, phía trong đê trồng cũng khá nhiều nhưng thỉnh thoảng còn xen kẹt một vài loại cây khác và nuôi thủy sản. 

Ngoài ra, người dân phải thuê bên ngoài khoảng gần 1000 ha đất (gấp 3 lần diện tích đất tại địa phương) tại các địa phương có ven sông như Thái Bình, Bắc Ninh…

"Người dân quê tôi quý đất lắm, có nhà còn phải đi thuê thêm đất, diện tích trồng trọt lên tới mấy chục mẫu. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi và kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng kịp thời nên bà con sản xuất hiệu quả...".

Theo ông Thưởng, củ cà rốt trồng ở Đức Chính to, đẹp và thơm ngon hơn một số địa phương khác. Năm nay cơ bản là thuận lợi, bà con vừa được mùa lại vừa được giá. 

Cà rốt chưa đến kỳ thu hoạch, thương lái đã nô nức đặt mua

Các thị trường tiêu thụ cà rốt Đức Chính gồm trong nước và các nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Trước đây, mỗi sào đạt 8-9 triệu là cũng có lãi rồi. Năm nay từ đầu vụ tới giờ giá cà rốt khá tốt, thương lái tới tận vườn đặt mua với giá từ 12-15 triệu/sào...

Hải Dương: Trồng cây gì mà thương lái phải đến tận vườn đặt mua, nông dân đổi đời qua mỗi vụ - Ảnh 3.

Nông dân xã Đức Chính lắp máy bơm cho hệ thống phun nước trên ruộng cà rốt. Ảnh: Thi Ngọc

Được biết, trà cà rốt sớm được trồng từ tháng tám vừa thu hoạch cách đây ít hôm. Sau khi trừ chi phí, người dân thu về khoảng 8-12 triệu/sào. So với mọi năm và so với nhiều loại cây trồng khác thì cà rốt vẫn mang lại năng suất cao cho người dân.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Ngát vừa thoăn thoắt nhặt cỏ, vừa phấn khởi nói, "năm nay cà rốt được mùa. Củ khá to và đẹp. Chúng tôi chỉ việc trồng và chăm sóc không phải lo đầu ra vì thương lái đến tận ruộng đặt mua. Giá cả năm nay cũng khá tốt, khoảng 12-15 triệu/sào. So với các loại cây trồng khác như dưa hấu, rau các loại thì cà rốt vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất".

"Việc chăm sóc cà rốt so với cây trồng khác cũng không vất vả lắm vì đây là loại cây dễ sống, ít sâu bệnh. Mỗi lứa phải làm cỏ khoảng 2-3 đợt thì có thể thuê thêm người nếu không kịp. Tưới tiêu thì 2-3 ngày 1 lần nhưng đã có hệ thống tự động phun nước bố trí đều trên cả ruộng. Mình chỉ việc điều khiển máy bơm một lúc là xong", chị Ngát chia sẻ.

Hải Dương: Trồng cây gì mà thương lái phải đến tận vườn đặt mua, nông dân đổi đời qua mỗi vụ - Ảnh 4.

Chỉ cần cắm mày bơm là nước được tưới đều cho cả ruộng thông qua hệ thống ống phun nước thông minh. Ảnh: Thi Ngọc

Chị Trần Thi Hoa, xã Đức Chính cho biết: "Cà rốt là loại cây rất khỏe sống hợp đất phù sa, ít bị sâu bệnh nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cây phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu mưa nhiều, cây sẽ dễ bị hỏng, củ không được to đẹp và bị nứt dẫn đến khó tiêu thụ. Mặt khác, củ cà rốt nằm dưới lòng đất nên khá an toàn và ít bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

"Nhiều khi làm đồng mệt, chúng tôi nhổ ngay cà rốt của nhà lên rửa sạch rồi ăn luôn tại ruộng là tỉnh người. Nói chung, cà rốt là loại củ rất an toàn", chị Hoa cho hay.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cũng cho biết, còn hơn một tháng nữa mới thu hoạch mà thương lái đã đến tận ruộng đặt mua cà rốt. Giá mấy hôm nay cứ tăng dần.

"Năm nay dân quê tôi mừng lắm, được mùa to. Có nhà thu được hàng chục tỷ, đổi đời nhờ cà rốt. Sau vụ này lại nhiều biệt thự mọc lên, người dân lại chuẩn bị thi nhau sắm sửa đồ đạc, quê hương ngày càng giàu đẹp", ông Thuật hồ hởi nói.

"Mặc dù cà rốt Đức Chính đạt tiêu chuẩn cao nhưng hiện nay mới được cấp mã vùng trồng cho khoảng 40 ha. Lý do vì số lượng mã vùng trồng có hạn lại phải cấp cho nhiều địa phương. Ông mong muốn sẽ được quy hoạch nhiều hơn nữa để khẳng định thương hiệu cà rốt Đức Chính, đồng thời xuất khẩu được đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con", ông Thuật thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem