Ông chủ mua cà rốt nhiều nhất Cẩm Giàng: Người Hàn, Nhật rất thích ăn cà rốt Hải Dương

Minh Huệ Thứ năm, ngày 04/03/2021 20:09 PM (GMT+7)
Hiện mỗi ngày, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (huyện Cẩm Giàng - Hải Dương) thu mua từ 100-120 tấn cà rốt. Với giá cà rốt từ 9.000-10.000 đồng/kg, nông dân đã có lãi khá. "Nếu không xảy ra dịch thì năm nay, người trồng cà rốt ở Đức Chính, Cẩm Văn rất giàu" - ông chủ doanh nghiệp này nói.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Đức Mệnh - Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương cho biết, những năm gần đây ông bán được rất nhiều cà rốt tươi cho khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Họ rất thích ăn cà rốt Hải Dương, chỉ tiếc là kho lạnh không có đủ lớn để mua hết cà rốt và các loại nông sản khác của bà con. 

Ông chủ thu mua cà rốt nhiều nhất Cẩm Giàng: Khách Hàn, Nhật thích ăn cà rốt Hải Dương, tiếc là… - Ảnh 1.

Dây chuyền sơ chế, phân loại cà rốt để đưa đi xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương. Ảnh: M.H

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mệnh cho biết, năm nay nhiều loại nông sản gặp thuận lợi khi vừa được mùa và được giá. Đặc biệt, cây cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) rất được mùa, và giá bán cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Ông Mệnh thông tin: Trong Tết Nguyên đán, trước khi bùng phát dịch Covid-19 tại Hải Dương, tôi mua cà rốt của bà con với giá 14-15 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần năm ngoái (chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/sào).

Khi bùng phát dịch Covid-19 ở Hải Dương, cái dở ở chỗ đúng lúc vào cao điểm thu hoạch cà rốt, nông dân không thể ra đồng để nhổ cà rốt nên dẫn tới một lượng cà rốt bị quá kích cỡ, nứt nẻ và già thối. Trong khi những củ cà rốt lớn quá sẽ không thể xuất khẩu được, phải loại ra.

"Củ chị chưa bán được thì sau thời gian cách ly do dịch bệnh, củ em đã lớn to bằng củ chị, khiến sản lượng tăng quá nhanh. Điều này dẫn đến giá cà rốt bị giảm xuống, còn 9-10 triệu đồng/sào. Tuy nhiên với giá này, bà con trồng cà rốt vẫn có lãi. Kể mà nếu không xảy ra dịch thì năm nay, bà con trồng cà rốt ở xã Đức Chính, Cẩm Văn rất giàu" – ông Mệnh ví von.

Tuy nhiên cũng theo ông Mệnh, mùa vụ cà rốt năm nay may mắn ở chỗ, sau thời gian cách ly bởi dịch bệnh thì sản lượng cà rốt đạt chuẩn xuất khẩu tăng lên. Hồi trong tết, ông thu mua cả trăm tấn mỗi ngày song củ chưa được đều lắm, tỷ lệ củ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, nhưng các ruộng trồng sớm đến lứa thì bà con vẫn phải thu hoạch.

Chính vì dịch xảy ra, bà con không thu hoạch được nên bây giờ, sản lượng cà rốt rất dồi dào, tiêu thụ rất tốt. Mỗi ngày công ty chúng tôi thu mua tới vài container đưa về sơ chế, phân loại, kịp thời xuất cho khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông chủ thu mua cà rốt nhiều nhất Cẩm Giàng: Khách Hàn, Nhật thích ăn cà rốt Hải Dương, tiếc là… - Ảnh 3.

Nông dân xã Đức Chính thu hoạch cà rốt tại vùng trồng cà rốt theo quy trình VietGAP. Ảnh: M.H

Ông Mệnh cũng thông tin: Lúc chưa dịch, tôi đã đặt cọc tiền thu mua khoảng 60-70 mẫu cà rốt, rất nhiều tỷ đồng đã bỏ ra để mua cho bà con. Chúng tôi phải cọc tiền trước nhằm nắm được sản lượng cà rốt, kí hợp đồng với các đối tác Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Vừa chốt số lượng xong thì dịch đến, dẫn đến hàng bị ách lại. Do không chuyển được hàng đi nên đối tác đã huỷ đơn hàng trong tháng vừa rồi. Bản thân khách hàng Hàn Quốc cũng không dám nhập hàng từ vùng dịch dù họ có nhu cầu.

Lúc đó ông Mệnh, các công ty thu mua nông sản khác và bà con nông dân đều vô cùng nóng ruột. Cà rốt, su hào, bắp cải đầy đồng nhưng không thu hoạch được. Hành lá đến kì cắt cũng không cắt được phải để ra hoa trên đồng.

"Nhìn cảnh cà rốt, bắp cải già đi mỗi ngày mà tôi nóng hết cả ruột gan, nhưng có tiền cũng không dám mua về vì không có đủ kho lạnh. Trong thu mua nông sản hiện nay, bí nhất chính là chỗ này. Xưởng của tôi cũng có gần 1.000m2 kho lạnh đấy, nhưng vào mùa vụ chẳng thấm tháp gì. Cà rốt chất trong kho cao như núi, song cũng chỉ được vài chục container.

Có dịch mới thấy ách tắc lưu thông một chút là bao nhiêu khâu bị thiệt hại, song chúng tôi cũng không mua thêm được. Cho nên buộc phải có kho lạnh, không có kho lạnh thì rất tai hại. Mua nông sản về không có chỗ bảo quản thì sẽ hư thối, thà rằng cứ để ở ngoài đồng" – ông Mệnh thông tin.

Tuy nhiên ông Mệnh cho biết, đến thời điểm này, mọi thứ đã trở lại bình thường, riêng mặt hàng cà rốt rất thuận lợi, không lo phải giải cứu.

"Tôi cũng đã kí thêm hợp đồng với khách hàng cũ. Trung bình mỗi ngày, công ty thu mua từ 100-120 tấn cà rốt, ngày nhiều nhất là 130 tấn, tăng khoảng 10% so với trước Tết Nguyên đán. Trong đó, 70% lượng cà rốt thu mua được tiêu thụ trong nước, đưa đi miền Nam là chính, còn lại 30% xuất khẩu đi Hàn, Nhật" – ông Mệnh nói. 

Ông chủ thu mua cà rốt nhiều nhất Cẩm Giàng: Khách Hàn, Nhật thích ăn cà rốt Hải Dương, tiếc là… - Ảnh 5.

Ông chủ thu mua cà rốt nhiều nhất Cẩm Giàng: Khách Hàn, Nhật thích ăn cà rốt Hải Dương, tiếc là… - Ảnh 6.

Tiểu thương thu mua cà rốt của nông dân tại cánh đồng xã Cẩm Giàng. Ảnh: M.H

Tại Cẩm Giàng, hiện phần lớn cà rốt đã thu hoạch xong, chỉ có hành lá gặp khó khăn vì tuổi thọ ngắn. Thu hoạch không kịp thì chỉ vài ngày là hành lá bị héo, thối phải cắt bỏ. Sau đó người dân tiếp tục chăm sóc, đợi lứa mới lên đẹp hơn. Hiện cây hành hoa người dân chủ yếu thu hoạch lá để bán cho các cơ cở sấy khô cho vào gói gia vị mì tôm chứ không lấy củ. Giống hành này hay ở chỗ người dân có thể cắt được 3-4 lứa mới phải thay giống.

Là doanh nghiệp thu mua, sơ chế nông sản uy tín, năm nào Công ty Tân Hương cũng đặt hàng các HTX, bà con nông dân sản xuất cho mình. Trong đó công ty liên kết sản xuất cà rốt VietGAP với nông dân Đức Chính khoảng 70 mẫu. Ngoài ra còn liên kết với 6 HTX khác sản xuất, thu mua hành lá, hành củ, tỏi, gừng, củ cải, bắp cải…

Những diện tích đã đặt hàng sản xuất, ông Mệnh cho biết bất kể giá cả, tình hình thị trường thế nào công ty cũng vẫn thu mua. "Chứ năm nay không thu mua năm sau người ta không thèm làm cho mình nữa, lúc đó lại không có hàng để xuất" – ông Mệnh nói.

Năm 2020, Công ty Tân Hương thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt; ngoài ra còn tiêu thụ khoảng 10 tấn củ cải sấy khô (20 tấn củ cải tươi được 1 tấn củ cải sấy khô); một số mặt hàng khác như hành lá, hành củ, tỏi, gừng, củ cải, cải bắp, lá chanh… Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, lúc cao điểm lên tới 200-250 lao động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem