Trước kia gia đình anh chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà với quy mô nhỏ nên lãi chẳng thấm vào đâu. Không chịu cảnh nghèo khó, anh Thi đã tìm hiểu về một số mô hình chăn nuôi những con vật đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế trong đó có rắn hổ mang bành. Anh Thi nhận thấy, loài bò sát không chân này có chế độ chăm sóc không quá phức tạp, nguồn thức ăn phòng phú, sẵn có tại địa phương, chỉ cần hiểu hiểu rõ tập tính của chúng thì hoàn toàn có thể áp dụng ngay tại địa phương mình.
Hiện gia đình anh Thi đang sở hữu một trại rắn hổ mang có quy mô 700m2 với khoảng 700 con.
Anh Thi chia sẻ: “Tôi đam mê nuôi rắn từ nhỏ, ở quê tôi nhiều người trở thành triệu phú nhờ nuôi loại rắn kịch độc này. Bản thân tôi cũng nhận thấy đây là loài vật phù hợp để phát triển kinh tế trong khi vẫn có thời gian để làm những công việc khác.”
Năm 2009, anh đã đầu tư khoảng 60 triệu để xây dựng trại nuôi rắn hổ mang 700m2, lúc này giống anh chủ yếu mua của những hộ dân nuôi rắn quanh vùng. Chuồng nuôi được anh thiết kế với kích thước 30 x 30 x 30 cm, được xây bằng gạch và mỗi ô như vậy nuôi một con. Theo anh Thi, mỗi 1m2 có thể nuôi được khoảng 9 con rắn, với số lượng 700 con rắn hiện tại anh vẫn chưa tận dụng tối đa diện tích chuồng trại của mình.
Theo kinh nghiệm của anh thi, người nuôi rắn cần lưu ý kiểm tra, tiến hành ghép đôi cho rắn vào mùa sinh sản.
Anh Thi cho biết, rắn hổ mang là loài vật dễ nuôi, chúng có thể sử dụng đa dạng các loại thức ăn như cóc nhái, gà con, vịt con còn sống... Tuy nhiên, món ưa thích của chúng vẫn là cóc. Mà nguồn thức ăn này trên địa bàn rất nhiều, dễ kiếm và tương đối rẻ. Trung bình anh cho rắn ăn 4 ngày 1 bữa, tùy từng loại, từng độ tuổi mà cho ăn khẩu phần ăn khác nhau. Điều đặc biệt, rắn hồ mang so với các loài vật nuôi khác là chúng chỉ ăn thức ăn từ tháng 3 đến tháng 9 (âm lịch) thời gian còn lại là rắn ngủ đông. Chính vì thế mà không tốn thức ăn, công chăm sóc lại không nhiều, hiệu quả thu về lại cao.
Anh Thi cho biết, mỗi tháng anh nhập thức ăn cho rắn 2 lần, dự trữ bằng tủ đông.
Để nuôi rắn hổ mang có hiệu quả, người nuôi cần tìm hiểu thời kỳ động dục để ghép cặp rắn, nếu không đúng thời kỳ rắn sẽ cắn nhau mà chết. Khi rắn đẻ trứng, cũng phải biết cách ấp trứng để làm sao rắn con nở tỷ lệ cao nhất. Cùng với đó, việc thiết kế chuồng trại cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên làm chuồng rắn theo hướng Đông có tác dụng giữ ấm vào mùa Đông, thoáng vào mùa Hè. Rắn ưa mức nhiệt 22 – 35 độ nên chủ trại cần lưu ý phun ẩm, làm mát cho rắn trong những ngày nắng nóng.
Không giống với những vật nuôi thương phẩm khác, rắn là loài kháng bệnh tốt, hiếm khi bị dịch bệnh nên không mất nhiều chi phí cho thuốc thú y. Những bệnh có thể xảy ra với rắn chủ yếu là nấm, phổi, kí sinh trùng... Để phòng bệnh, người nuôi chỉ cần tẩy giun hàng năm bằng thuốc bột, cho rắn uống thuốc phòng kí sinh trùng, tắm và bôi đối với các bệnh ngoài da.
Những con rắn hổ mang chúa, sau khi nuôi 8 tháng có trọng lượng 1,8 - 2kg, đã đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh Thi.
Rắn hổ mang nuôi khoảng 8 tháng, đạt trọng lượng từ 1,8 – 2kg là có thể xuất bán. Hiện nay, anh Thi đang cung cấp sản phẩm cho một số tỉnh miền Bắc với giá 600.000 - 700.000đồng/kg rắn thịt, 850.000 đồng/kg rắn sinh sản, 600.000 đồng/100 gr cao rắn và 200.000 đồng/1 chiếc mật rắn. Ngoài ra, anh Thi còn cung cấp rượu rắn theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Riêng trại rắn mỗi năm mang lại cho anh nguồn thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt, anh Thi đã tiên phong trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Nhìn thấy hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi rắn, một số hộ nông dân trong vùng cũng học tập làm theo và được anh chia sẻ kỹ thuật, con giống cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.