“Hai nhà” lo dạy nghề cho nông dân

Thứ năm, ngày 24/11/2011 07:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy năm gần đây, hàng trăm ND xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) đã được học nghề nhờ sự phối hợp giữa chính quyền với các doanh nghiệp. Không chỉ dạy nghề, nhiều doanh nghiệp còn nhận học viên vào làm việc.
Bình luận 0

Là xã thuần nông, Hải Đường có 787ha đất nông nghiệp, trên 50% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng địa phương lại ít nghề phụ nên lao động dư thừa rất lớn. Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã có chính sách kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp may, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... dạy nghề cho người dân.

img
Chị Vũ Thị Nhu hướng dẫn học viên học nghề may tại xưởng của gia đình.

Mở lớp tại làng

Hiện trên địa bàn xã Hải Đường đã có một nhà máy may công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 400 lao động và hàng chục xưởng gia công may, mộc, đan lát thủ công mỹ nghệ đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Ông Nguyễn Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Hải Đường cho hay: "Từ năm 2010 đến nay, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp mở 18 lớp dạy nghề tại UBND xã và tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất cho gần 400 học viên, với các nghề may mặc, đan bẹ chuối, thảm cói, mộc...".

Thực hiện chủ trương này, xã tạo điều kiện cho mượn hội trường để mở lớp, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho các doanh nghiệp; còn các doanh nghiệp sẽ đưa giáo viên là thợ giỏi của mình về dạy nghề cho bà con. Người dân đi học không phải đóng tiền học, mà còn được hỗ trợ tiền ăn trưa. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho các thôn duy trì, mở rộng các nghề cơ khí, thêu ren, đan thảm cói, chế biến lương thực, thực phẩm... nên đã tạo được việc làm cho 1.820 lao động.

Học xong có việc làm

Ông Tuần cho biết, theo thống kê có hơn 80% số học viên sau khi học nghề đã có việc làm, với thu nhập trung bình 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng. May, thêu ren và mộc là nghề đang thu hút nhiều lao động nhất. Anh Đặng Văn Ninh ở thôn Hoành Đồn - chủ xưởng may gia công trang phục quân dụng Ninh - Nhu cho biết: "Học nghề may thường mất 3 tháng, ai nhanh thì 2 tháng là thạo việc.

Học viên không phải đóng học phí, vừa học, vừa làm, trong thời gian học được trả lương từ 1 - 1,8 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng lực. Vừa qua, tôi đã đào tạo 20 học viên, sau khi lành nghề, ai có nhu cầu thì ở lại xưởng làm việc. Hiện xưởng đang tạo việc làm cho 30 công nhân, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng".

img Năm 2008, tỷ lệ lao động nông nghiệp của xã là 80%, năm 2011 còn 55%. Thu nhập bình quân đầu người từ mức 7,5 triệu đồng/năm đã tăng lên 15,8 triệu đồng/năm. img

Vợ chồng chị Phạm Thị Thoa ở xóm 6 may mắn được học nghề do xã tổ chức. Chồng chị học nghề mộc và đang làm cho một xưởng mộc trong xã, còn chị học may hiện làm tại xưởng may Ninh - Nhu.

Hỏi về chất lượng dạy nghề ở đây, chị Thoa phấn khởi nói: "Hầu hết chúng tôi học kiểu cuốn chiếu, vừa học, vừa làm, thầy dạy đều là các thợ giỏi nên chị em rất dễ tiếp thu. Từ khi được học nghề, có việc làm ổn định, kinh tế của gia đình tôi khấm khá hơn, có tiền nuôi con ăn học, chứ nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn".

Em Đỗ Thị Hoài ở xóm 4 do gia đình khó khăn nên em không có điều kiện học lên cao. Vừa tốt nghiệp THPT, Hoài định lên thành phố xin việc thì được anh Ninh nhận vào xưởng để vừa làm, vừa học. "Em chỉ học 2 tháng là may thạo rồi. Học gần nhà nên đỡ tiền thuê trọ. Nếu làm tăng ca, mỗi tháng em lĩnh trọn 3,5 triệu đồng/tháng" - Hoài cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem