Hải Phòng: Chất lượng sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu, gắn liền cùng thương hiệu

Nguyên An Thứ sáu, ngày 22/12/2023 16:34 PM (GMT+7)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại TP. Hải Phòng từ năm 2018 đến nay, đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng giá trị hàng hoá nông sản, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận 0

Chính quyền và người dân đồng hành thực hiện OCOP

Qua 5 năm triển khai Chương trình OCOP tại Hải Phòng (2018-2023), các sản phẩm OCOP về cơ bản đã phát huy được giá trị sản xuất, lợi thế của mỗi địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Giai đoạn 2018-2023, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã giá 209 sản phẩm và cấp giấy chứng nhận cho 204 sản phẩm (57 sản phẩm 4 sao, 147 sản phẩm 3 sao) và 05 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao. Tổng số sản phẩm OCOP còn hiệu lực của thành phố là 197 sản phẩm (số sản phẩm hết hiệu lực, chưa đánh giá lại là 07 sản phẩm).

Cùng với việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP mới, Hải Phòng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quảng bá thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa.

Hải Phòng: Chất lượng sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu, gắn liền cùng thương hiệu - Ảnh 1.

Livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Hải Phòng và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử qua nền tảng xã hội Tiktok. Ảnh: Minh Hương

Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Hình thành chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ các khâu: nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp mang tính chiến lược để mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua hệ thống các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp đơn vị, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường mà còn giúp người dân tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian trên kênh phân phối mới hiện đại và bền vững.

Theo Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng, từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, Sở đã kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản xuất sản phẩm OCOP với các đơn vị có hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử như: Bưu điện Hải Phòng và Công ty TNHH F24.

Đồng thời in và phát hành 10.000 tờ gấp, 6.000 kẹp file, 2.000 poster, 300 sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP…; tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại các chương trình kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải, người khai sinh ra nước mắm Song Hải (thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải) cho biết, được truyền nghề từ đời ông cha để lại, là lớp kế cận nên tôi luôn trăn trở với việc làm thế nào để sản phẩm truyền thống của quê hương vươn ra thị trường, chinh phục những khách hàng khó tính.

Hơn 30 năm lăn lộn với nghề làm nước mắm, có thời điểm tôi phải theo tàu ra ngư trường thu mua cá; có khi phải gồng gánh, vận chuyển cá vào bờ… Gian nan vất vả là thế, nhưng ý chí lúc nào cũng nhắc nhủ, không được bỏ cuộc.

Hải Phòng: Chất lượng sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu, gắn liền cùng thương hiệu - Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Song Hải tham gia hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại Cát Bà, Hải Phòng. ảnh: Phạm Trang

Nỗ lực đó được ghi nhận khi sản phẩm nước mắm Song Hải đã vượt qua những thủ tục khắt khe về quy định và chất lượng kiểm định, 5 sản phẩm gồm: nước mắm cá thu; nước mắm chắt nguyên cốt; nước mắm cao cấp hương vị cổ xưa; nước mắm cao đạm; nước mắm cá quẩn đã được UBND TP. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Sản phẩm của công ty sau khi được công nhận giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tiến xa hơn vào thị trường tiêu thụ. Hiện nay, ngoài tiêu thụ tại Hải Phòng, sản phẩm nước mắm của công ty đang có mặt trên thị trường các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh…. Sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm đạt trên 100.000 lít nước mắm các loại, doanh thu khoảng 6-7 tỷ đồng/năm.

Nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP Hải Phòng "vươn xa"

Để các sản phẩm OCOP đến gần với tay người tiêu dùng hơn, thời gian vừa qua, TP Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp; ban hành kế hoạch về hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp nông thôn; đồng thời nâng tầm thương hiệu của các sản phẩm này.

Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc HTX mật ong rừng ngập mặn Tùng Hằng cho biết, HTX đã xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn với các quy định, tiêu chuẩn trong sản xuất nghiêm ngặt để tham gia chương trình OCOP. Trước đây, việc kinh doanh sản phẩm này chủ yếu thông qua những mối hàng quen biết truyền thống. Tuy nhiên, từ khi lên sản thương mại điện tử, hàng trăm lít mật ong được bán là những khách hàng mới, từ khắp mọi nơi. Việc bán hàng cần phải áp dụng đa phương thức, trong đó tham gia thương mại điện tử là cần thiết.

Hải Phòng: Chất lượng sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu, gắn liền cùng thương hiệu - Ảnh 4.

Thu hoạch mật ong rừng tại Cát Bà.

Việc đưa các sản phẩm OCOP "lên sàn" được cho là kênh bán hàng tốt, giải pháp quan trọng giúp quảng bá, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, số sản phẩm có cơ hội được tham gia xúc tiến thương mại mới chiếm khoảng hơn 25% tổng số sản phẩm OCOP đã được xếp hạng.

Theo đại diện Sở Công thương Hải Phòng, một số sản phẩm OCOP chưa có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại là do một số chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa chú trọng tới mẫu mã, bao bì sản phẩm nên không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nhỏ và vừa còn thiếu vốn để đầu tư mở rộng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP sản xuất thủ công, quy mô nhỏ nên năng suất, sản lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp.

Còn theo đại diện Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng cho biết, để mở rộng cơ hội sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cơ quan chức năng xây dựng website chương trình OCOP TP Hải Phòng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp gỡ, tìm kiếm đại lý, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc…

Có thể thấy, đối tượng chủ yếu của Chương trình OCOP ở Hải Phòng được tập trung vào phát triển 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và phát triển du lịch. Việc thực hiện Chương trình OCOP ở Hải Phòng được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn TP. Hải Phòng là cơ hội và cũng là lợi thế để các địa phương, các chủ thể khai thác triệt để thế mạnh, sản phẩm của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem