Hai vợ chồng tử nạn dưới bánh xe buýt, bỏ lại 7 đứa con bơ vơ

Duy Hậu Thứ hai, ngày 05/11/2018 19:12 PM (GMT+7)
Vừa ra khỏi nhà, vợ chồng ông Phúc bà Tuân đã gặp nạn. Họ vĩnh viễn ra đi bỏ lại 7 đứa con vẫn quá non nớt, chơi vơi giữa cuộc đời!
Bình luận 0

Ra đi không một lời trăn trối

Sáng 5.11, chính quyền địa phương cùng hàng trăm người dân, học sinh… đã đến viếng và đưa tiễn ông Nguyễn Hữu Phúc (56 tuổi, trú tại thôn 5 xã Ea Ktul, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), cùng vợ là Trần Thị Tuân (47 tuổi) về nơi chín suối.

img

Những đứa con ông Phúc đau buồn bên thi thể bố mẹ. Ảnh Duy Hậu

Căn nhà trong khu rẫy vắng vốn đã quá nhỏ giờ càng trở nên chập hẹp, ngột ngạt vô cùng bởi hai thi thể vợ chồng ông Phúc đặt cạnh nhau trong căn phòng chỉ hơn 10m2. Trước căn phòng ấy, có hai chiếc quan tài vừa được đưa đến. Ngoài sân, khăn tang phủ trắng, không khí buồn đau nặng nề hiển hiện trên khuôn mặt của mọi người.

Vợ chồng ông Phúc về cõi vĩnh hằng vào lúc sáng sớm ngày 4.11. Sáng hôm ấy, khác với những ngày thường phải đưa vợ ra chợ từ lúc 5 giờ 30, ông Phúc đưa vợ rời nhà trễ hơn 1 giờ để đến nhà thờ. Họ vừa đi được chừng 500m, ra hết khỏi con đường nhỏ và đang băng qua QL27 thì va chạm với chiếc xe buýt đi từ TP.Buôn Ma Thuột về huyện Krông Bông.

img

Rất đông người dân, học sinh...đến viếng vợ chồng ông Phúc.

Nhìn mảnh sắt cản trước bị gãy đôi và một bên kính trước của chiếc xe buýt bị rạn nứt có thể hình dung được cú va chạm rất mạnh. Vợ chồng ông Phúc sau tai nạn ngã ra đường, bà Tuân tử vong tại chỗ và ông Phúc cũng ra đi không lâu sau đó dù đã được đưa đi cấp cứu.

Ngay sau đó, công tác khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc nhanh chóng được Công an huyện Cư Kuin thực hiện. Thi thể vợ chồng ông Phúc được đưa về nhà để lo an táng. Thời điểm đôi vợ chồng bất hạnh ấy được đưa về, trong nhà chỉ có 3 đứa trẻ (lớn nhất mới 17 tuổi) rũ rượi khóc than không biết phải xoay sở ra sao. Hay tin, những người xung quanh đã gác lại việc riêng, chung tay giúp mấy đứa trẻ lo cho bố mẹ mình. 

"Cha mẹ ra đi không một lời trăn trối, đau đớn vô cùng. Giờ chúng em bơ vơ chưa biết phải làm sao cho những ngày kế tiếp", Nguyễn Thành Công (28 tuổi) con trai cả ông Phúc đau đớn nói với chúng tôi.

4 đứa trẻ trước nguy cơ bỏ học

Gia đình ông Phúc nửa năm trước sống ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Do cuộc sống quá khó khăn, họ bán nhà rồi đến xã Ea Ktul, sửa lại căn nhà trong khu rẫy để ở. Nói là rẫy, nhưng thực ra, mảnh đất mà vợ chồng ông Phúc chỉ có 2 sào trồng được dăm cây bơ và ít cà phê.

Xóm giềng cho biết, đôi vợ chồng ấy tuy mới về ở được khoảng 6 tháng nhưng ai cũng quý mến vì bản tính hiền lành. Vợ ông Phúc, buổi chiều đi khắp các nhà dân để thu mua bắp về tối luộc để sáng sớm ra chợ Trung Hòa, cách nhà chừng 1km để bán. Còn ông Phúc vừa chăm sóc mảnh vườn nhỏ vừa đi làm thuê để kiếm thêm tiền.

Nguyễn Thành Công - con trai cả của ông Phúc - nói với chúng tôi, gia đình có 7 anh em. Công và một đứa em gái đã có gia đình đang làm công nhân trong miền Nam. Một đứa em gái nữa của Công cũng đang làm công nhân ở Bình Dương. Tuy cuộc sống của cả 3 còn rất khó khăn, nhưng dù sao cũng có thể tự lo được cho bản thân. 

Đáng lo nhất là 4 đứa em nhỏ của Công hiện còn đang đi học. Trong đó, một em đang học Cao đẳng tại Bình Dương, hiện đã sắp ra trường, 3 đứa còn lại là: Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Diệu Trinh và Nguyễn Thiện Đức lần lượt học lớp 12, 11 và lớp 8.

Cô Dương Thị Hoàng Mỹ - Chủ nhiệm 12A3, trường THPT Việt Đức (Cư Kuin), nghẹn ngào nói với chúng tôi, Ánh là học sinh rất ngoan hiền, đang làm cán bộ Đoàn của trường. Gia đình em ấy rất khó khăn, giờ gặp phải tai họa quá lớn này không biết em ấy có đủ sức vượt qua không.

Còn Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A12, trường THPT Việt Đức, thì cho biết, em Nguyễn Thị Diệu Trinh hiện là học sinh giỏi, vừa làm Bí thư vừa là lớp phó học tập của lớp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên hiện em Trinh vẫn chưa có tiền để đóng học phí.

"Sáng nay, trong buổi chào cờ đầu tuần và cuộc họp giao ban, nhà trường đã đưa sự việc của học sinh này ra để kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ. Nhưng về lâu về dài, để Trinh được tiếp tục học tập, tôi nghĩ em ấy còn cần rất nhiều sự giúp đỡ" - cô Ngọc nói. 

Đứng trước linh cữu của bố mẹ, Ánh hứa với chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua sự mất mát quá lớn này để tiếp tục học tập. Nhưng rồi đứa trẻ non nớt ấy lại nói: "Những ngày sắp tới cháu vẫn chưa biết sẽ phải làm gì" rồi bật khóc.

Chúng tôi rời căn nhà nhỏ bé đầy bất hạnh ấy khi xóm giềng, họ hàng đến chuẩn bị đưa ông Phúc và bà Tuân đi chôn cất. Dù đã đi rất xa nhưng tiếng kinh buồn đau vẫn văng vẳng bên tai như tiếng của đôi vợ chồng bất hạnh muốn nhắn nhủ điều gì.

Theo ông Nguyễn Công Hiên - Trưởng thôn 5, khi còn ở xã Ea Tiêu, gia đình ông Phúc thuộc diện hộ nghèo, không có đất đai. Tuy nhiên, do ông Phúc mới chuyển hộ khẩu về xã nên hiện chưa được bình xét hộ nghèo. Hiện gia đình ông Phúc chỉ có 2 sào rẫy nhưng gần như chưa có thu nhập gì. Trước khi mất, ông Phúc chủ yếu đi làm thuê nhưng công việc thì ngày được, ngày mất nên thu nhập chẳng đáng là bao. Còn vợ ông Phúc hiện chỉ buôn bán nhỏ ở chợ nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về anh Nguyễn Thành Công (con trai cả của ông Phúc) - trú tại thôn 5 xã Ea Ktul, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, SĐT: 0966 945 851.

Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay (Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Phúc và bà Trần Thị Tuân, xã Ea Ktul, huyện Cư Kiun, Đắk Lắk)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem