Hạn chế bạo lực gia đình bằng cách giúp đỡ người... gây bạo lực

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 17/11/2016 06:40 AM (GMT+7)
Tiếp cận người gây bạo lực gia đình (BLGĐ), tư vấn, giúp đỡ họ là hướng đi mới trong phòng chống BLGĐ. Trả lời phỏng vấn Báo NTNN - Dân Việt, ông Phạm Ngọc Tiến (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cũng chia sẻ, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11).
Bình luận 0

Ông đánh giá thế nào về thực trạng BLGĐ trong thời gian qua?

- Thực tế, BLGĐ đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra phức tạp. Trước đó, điều tra cấp quốc gia về bạo lực năm 2010 cho thấy: 34% phụ nữ từng kết hôn cho bết họ đã từng bị chồng bạo hành thể xác, tình dục. 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.

img

Màn nhảy Flashmod của sinh viên ĐH Xây dựng trong lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.  Ảnh: M.N

Sau quá trình đi kiểm tra, có chị thật thà tâm sự, có lần đi tập huấn, chồng đến “chịu tập” vợ về nhưng nghe lỏm được những nội dung truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ. Lúc về đã thay đổi nhận thức, tự ý đi giặt đồ cho vợ một cách vui vẻ - việc mà ngày trước anh ấy không bao giờ làm”.

Ông Phạm Ngọc Tiến –
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới
(Bộ LĐTBXH) kể lại

Thưa ông, các vụ việc BLGĐ đang được giải quyết thế nào?

- Thời gian qua, mặc dù đã có những cố gắng nhưng việc tiếp cận, xử lý BLGĐ với phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình kết quả còn chưa được như mong đợi. Thực tế có nhiều chị em bị bạo lực nhưng không muốn nói ra, với quan niệm đây là chuyện riêng của gia đình vì thế cũng gây những khó khăn nhất định trong việc xử lý vụ việc. Việc tiếp cận giải quyết vấn đề BLGĐ cũng còn những điểm khác nhau, người Việt Nam thường nặng về hòa giải, kiểm điểm ở khu dân cư nên dù có luật nhưng hiệu quả xử lý không được như mong đợi. Thực tế, khi Vụ Bình đẳng giới tiến hành làm điểm về xử lý phòng chống BLGĐ ở 74 xã, phường trên toàn quốc cũng cho thấy thực trạng như vậy.

Vậy, thời gian tới chúng ta sẽ có những thay đổi gì trong việc thực hiện để làm tốt hơn công tác xử lý cũng như phòng chống BLGĐ, thưa ông?

- Việc thay đổi cách tiếp cận trong việc truyền thông phòng chống BLGĐ và xử lý các vụ việc đã được cụ thể hóa trong cách tiếp cận phòng ngừa bạo lực giới trong giai đoạn mới 2016-2020 và tầm nhìn 2030. Bộ LĐTBXH cũng mong muốn được phối hợp các tổ chức, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ để làm sao thay đổi cách thức thực hiện. Ví dụ như một phụ nữ bị chồng đánh, vào cơ sở tạm lánh, thì họ cần được hỗ trợ về y tế về và tư vấn. Ngoài ra, không chỉ hỗ trợ người bị bạo lực mà chúng ta cũng sẽ phải tiếp cận với người gây bạo lực để tư vấn, giải quyết thấu đáo. Nhiều trường hợp người gây bạo lực cũng chính là nạn nhân của BLGĐ.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đã kiến nghị xây dựng một bộ tài liệu để làm việc với nam giới -  người thường gây bạo lực để giúp họ kìm nén được cơn tức giận. Bên cạnh việc tư vấn hòa giải nhân viên tư vấn cũng sẽ thuyết phục để họ nhận ra lỗi lầm, đón người vợ  trở về nhà sau khi thực hiện tạm lánh. Sự thực, nhiều người vợ sau khi đi tạm lánh đã không còn đường để về nhà. Một vấn đề quan trọng nữa là phải có sự phối hợp liên ngành bằng trong việc xử phạt. Ở các nước, khi xảy ra BLGĐ là công an vào cuộc, tòa án xử lý còn ở nước ta vẫn còn nặng về hòa giải.

Lần đầu tiên thực hiện tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, Việt Nam sẽ chú trọng vào các hành động gì?

- Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ. Tuy nhiên, hàng năm vào tháng 6, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng có tổ chức tháng hành động phòng chống BLGĐ cùng huy động nhiều cá nhân, tổ chức tham gia. Tháng hành động lần này được thực hiện trong cả nước với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành ở hơn 30 sự kiện như: Đối thoại với giới trẻ về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về BLGĐ; Hội thảo chia sẻ kết quả dự án nam giới tiên phong tình nguyện… Tháng hành động cũng là một cách để thực hiện mục tiêu chiến lược, phấn đấu để 70% cộng đồng dân cư được biết, tiếp cận với việc phòng chống bạo lực, bình đẳng giới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem