Hàng ngàn học sinh Nghệ An tham gia diễn đàn vỡi chủ đề về phòng chống bạo lực học đường
Hàng ngàn học sinh Nghệ An tham gia diễn đàn với chủ đề phòng chống bạo lực học đường
Thắng Tình
Thứ năm, ngày 18/05/2023 07:57 AM (GMT+7)
Diễn đàn "Điều em muốn nói" được tổ chức với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường". Diễn đàn cũng là cơ hội để các bên liên quan cùng nhận diện, mổ xẻ vấn đề, đưa ra những kiến giải, những giải pháp để góp phần phòng, chống bạo lực học đường.
Chiều 17/5, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức diễn đàn "Điều em muốn nói" lần thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường. Diễn đàn "Điều em muốn nói" có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ và sự góp mặt của gần 2.000 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Diễn đàn "Điều em muốn nói" được tổ chức với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường" với mục đích tạo cơ hội cho các em được đối thoại, giải bày các vấn đề gặp phải và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và được nghe từ họ những kiến giải, những lời khuyên bổ ích giúp các em vượt qua khó khăn.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các bên liên quan cùng nhận diện, mổ xẻ vấn đề, đưa ra những kiến giải, những giải pháp để góp phần phòng, chống bạo lực học đường.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022 cả nước có 386 vụ bạo lực học đường với 1.161 đối tượng liên quan, trong đó số học sinh liên quan là 935 em.
Qua các ý kiến tại diễn đàn cũng cho thấy, vấn đề bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào với nhiều nguyên nhân rất nhỏ như do mâu thuẫn lời nói, ứng xử không kiểm soát bản thân. Chia sẻ về suy nghĩ của lứa tuổi học trò, một số học sinh đến từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng thừa nhận trong những năm học THCS vì chưa hiểu biết nên đã từng lập nhóm, cô lập các bạn.
Bạo lực học đường ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Vì vậy, trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành Giáo dục và cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường công tác tham vấn học đường và cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Bên cạnh đó, ý kiến của các chuyên gia và những trao đổi, chia sẻ của các em học sinh tại Diễn đàn "Điều em muốn nói" lần này đã giúp ngành Giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.