Ngày 11/7, tại TP.Huế, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự Bộ Công an Trung Quốc tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024.
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến khá phức tạp, có xu hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
M.T.O (SN 1997, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là một trong hàng trăm người Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 13 tuổi. Sau 10 năm, cô gái này được giải cứu, trao trả về cho gia đình. Ảnh: CTV.
Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, tội phạm mua bán người lợi dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cùng với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ lâu đời vùng giáp biên để hoạt động, phạm tội.
Từ tháng 12/2020 đến đầu năm 2024, tại Việt Nam phát hiện, điều tra hơn 100 vụ mua bán người sang Trung Quốc, với hơn 200 đối tượng, lừa bán gần 200 nạn nhân.
Thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người là lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng tên tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài để làm việc có thu nhập cao, giàu sang…, sau đó lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát hình sự đã khởi tố mới 9 vụ mua bán người, với 20 đối tượng.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp, có nguy cơ gia tăng. Để ngăn chặn hiệu quả tội phạm này, lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chặt chẽ công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên nhiều giải pháp, những nội dung trọng tâm triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.