Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ tại rừng Cúc Phương?

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 03/07/2024 18:30 PM (GMT+7)
Con cầy mực gần 30 tuổi, loài động vật hoang dã quý hiếm có kích thước lớn nhất trong họ cầy đang được chăm sóc tại Vườn quốc gia Cúc Phương (trụ sở tại tỉnh Ninh Bình). Trước khi đưa về Cúc Phương, con cầy mực này bị béo phì do chế độ ăn không phù hợp, chủ yếu ăn tinh bột.
Bình luận 0

Nguồn gốc con cầy mực quý hiếm tại Cúc Phương

Cầy mực quý hiếm bị nuôi nhốt trái phép trong thời gian dài tại một vườn thú tư nhân ở tỉnh Quảng Nam. Năm 2010, con cầy mực được Chi cục kiểm lâm Quảng Nam và Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam giải cứu đưa về Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc.

Clip: Cận cảnh con cầy mực quý hiếm tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Chia sẻ tới Dân Việt, ông Trần Văn Trường-Cán bộ Điều phối cứu hộ thuộc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết: "Thời điểm giải cứu, con cầy mực bị béo phì do chế độ ăn không phù hợp, chủ yếu ăn tinh bột".

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 1.

Trước khi đưa về Vườn quốc gia Cúc Phương, con cầy mực này bị béo phì. Ảnh: Vũ Thượng

"Để lấy lại vóc dáng, cũng như đảm bảo sức khỏe cho con cầy mực quý hiếm này, chúng tôi đã cắt giảm phần tinh bột, chuyển dần sang hoa quả, thịt, loại thức ăn ưa thích của cầy mực ngoài tự nhiên", ông Trường cho biết thêm.

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Trường-Cán bộ Điều phối cứu hộ thuộc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ thông tin về con cầy mực tới Dân Việt. Ảnh: Vũ Thượng

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 3.

Con cầy mực có kích thước lớn nhất trong họ cầy được đặt tên là Hội An. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ông Trường, con cầy mực được giải cứu ở tỉnh Quảng Nam về sau một thời gian đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể di chuyển một cách dễ dàng trong khuôn viên của mình.

"Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực khôi phục bản năng hoang dã cho con cầy mực này, nhưng do trước kia quá gần gũi với người, nên không thể hòa nhập với môi trường tự nhiên được nữa", ông Trường nói.

Nhưng cầy mực vẫn đang còn may mắn so với nhiều động vật khác, hàng ngày đang là nạn nhân của xiếc thú, bị xích và nhốt trong những chiếc chuồng chật hẹp, bị huấn luyện để biểu diễn với đòn roi tra tấn liên tục.

Cầy mực thú ăn đêm và ngủ trên các cành cây

Tìm hiểu được biết, cầy mực có khả năng bơi lội và chúng rất thích tắm. Cầy mực mang thai từ 84-90 ngày, mỗi lứa đẻ trung bình từ 2-3 con. Cầy mực là một trong khoảng 100 loài thú có khả năng điều chỉnh thời gian mang thai để phù hợp với các điều kiện môi trường.

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 4.

Con cầy mực là loài thú ăn đêm và ngủ trên các cành cây. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Trần Văn Trường cho biết: "Cầy mực là loài thú ăn đêm và ngủ trên các cành cây. Cầy mực được chúng tôi chăm sóc ngày cho ăn 1 lần với trọng lượng khoảng 2,5 kg, thức ăn chính là trái cây, ngoài ra còn ăn thêm côn trùng, chim, ếch, chuột…

Con cầy mực hiện đang chăm sóc ở Vườn quốc gia Cúc Phương có tuổi đời khoảng 30 tuổi, trọng lượng khoảng 21 kg. Đây là loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, thuộc nhóm IB.

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 5.

Con cầy mực có bộ lông xù đen tuyền. Ảnh: Vũ Thượng

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 6.

Bộ đuôi con cầy mực ở Cúc Phương dài mượt. Ảnh: Vũ Thượng

Theo quan sát của Dân Việt, con cầy mực ở Vườn quốc gia Cúc Phương có bộ lông đen tuyền trừ phần mõm phớt trắng, lông dài, thô và xù. Đuôi con cầy mực rất dài và rậm lông, có gốc đuôi lớn và thon dần về phía mút đuôi.

Ngoài ra, mõm con cầy mực này ngắn và nhọn, mắt to, đen và lồi, đôi tai của cầy mực ngắn, tròn, trên tai có chỏm lông đen dài, viền tai màu trắng.

Ninh Bình: Tại sao phải lấy lại "vóc dáng" cho một động vật hoang dã tại khu rừng Cúc Phương?- Ảnh 7.

Con cầy mực hiện có trọng lượng khoảng 21kg. Ảnh: Vũ Thượng

Cầy mực chân ngắn và khoẻ có móng vuốt lớn thích hợp cho leo trèo, lông trên chân ngắn và có màu hơi nâu. Bàn chân có năm ngón, lòng bàn chân không có lông, chân sau dài hơn chân trước.

"Cùng cảnh ngộ với rất nhiều các cá thể động vật hoang dã mà chúng tôi đã giải cứu, cá thể cầy mực này được đặt tên là Hội An", anh Phạm Phú Cường, cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem