Hành xử có trách nhiệm

Nguyễn Quang A Thứ sáu, ngày 22/05/2015 07:10 AM (GMT+7)
Việc 90 ngàn công nhân ở TP.Hồ Chí Minh phản đối Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khiến Chính phủ phải kiến nghị Quốc hội sửa lại điều này theo như luật cũ. Đấy là cách hành xử có trách nhiệm và hợp lý.
Bình luận 0

Điều 60, về lý thuyết tuy có vẻ tiến bộ và phù hợp với xu hướng thế giới hơn quy định cũ, nhưng nó chưa sát với thực tế Việt Nam và nếu không sửa có thể gây bất ổn xã hội.

img
Nên để cho người lao động có quyền tự quyết cao hơn về BHXH (Ảnh minh họa)

 

Vài điều chưa sát với thực tiễn của Điều 60 là: Thứ nhất, có rất nhiều người lao động mới từ nông thôn ra và có tính mùa vụ, việc làm không được ổn định như ở các nước phát triển hơn nơi quy định như Điều 60 là hợp lý. Thứ hai, các nhà làm luật đã không để ý đến tính phụ thuộc vào con đường (path dependent) tức là chưa tính đến quy định cũ chưa tốt song có ảnh hưởng đến quy định mới. Thứ ba, quy định mới chưa tạo niềm tin cho người lao động (về khả năng chi trả trong tương lai của Quỹ BHXH, về thủ tục rườm rà mang tính “xin - cho” của quy định hưởng một lần).

Việc quay lại như quy định cũ là cần vì nó giải quyết bức bách trước mắt, nhưng phải bắt tay ngay nghiên cứu ngay việc sửa Điều 60 sao cho thực sự tiến bộ và hợp xu thế thế giới nhưng lại sát thực tế Việt Nam hơn. Vì sao như thế?

Thứ nhất, phải nghiêm túc mổ xẻ những điểm có thể hay nhưng chưa sát thực tế Việt Nam mà 3 điểm nêu trên chỉ là những ví dụ.

Thứ hai, phải có những nguyên tắc chung để hướng dẫn việc sửa đổi. Đó có thể là 9 nguyên lý chung của cải cách phúc lợi ở các nền kinh tế chuyển đổi khá giống Việt Nam được Kornai và Eggleston (Phúc lợi, Lựa chọn và Đoàn kết trong chuyển đổi, NXB Văn hóa Thông tin 2002, tr.13-50) phân tích thấu đáo cho mọi loại cải cách phúc lợi (y tế, giáo dục, hưu bổng…).

Theo nguyên lý 1 này nên để cho người lao động có quyền tự quyết cao hơn về BHXH, thí dụ lựa chọn đóng BHXH cho quỹ BHXH nào.

Việc này cũng buộc các Quỹ BHXH phải cạnh tranh nhau làm tăng hiệu quả (nguyên lý 3, và 4).

Nhà nước đảm bảo mức BHXH tối thiểu cho những người bị đau khổ, hoạn nạn (nguyên lý 2 và 5). Cải cách phúc lợi (BHXH) phải minh bạch (nguyên lý 6) và hài hòa với tăng trưởng kinh tế (nguyên lý 8). Việc cải cách cần thời gian và không thể sao chép cái hay cái tiến bộ chưa hợp với thực tế (nguyên lý 7). Cam kết của Nhà nước phải phù hợp với năng lực của ngân sách nhà nước (nguyên lý 9).

Việc áp dụng 9 nguyên lý này cho cải cách BHXH có thể là việc cần bắt tay ngay để chuẩn bị cho sửa đổi dài hơi hệ thống BHXH sao cho người lao động thực sự cảm thấy nó phục vụ cho chính họ mà không cần tuyên truyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem