Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 11, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... đều có mùa nước nổi do nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về, mang lại nguồn lợi to lớn cho cư dân trong vùng.
Làng nghề lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên vào mùa sản xuất.
Nhộn nhịp mưu sinhMấy ngày qua, phóng viên NTNN đã đi nhiều vùng ở An Giang để ghi nhận tình hình nông dân chuẩn bị đón mùa nước nổi. Khi nước chưa “nhảy khỏi” bờ thì một số làng nghề đã nhộn nhịp. Chẳng hạn như nghề đóng xuồng ghe ở huyện Chợ Mới; nghề làm dầm chèo, chì chày, câu lưới ở thành phố Long Xuyên; nghề đan lờ lợp ở huyện An Phú, huyện Châu Thành... Những làng nghề trên thu hút lao động ở nhiều lứa tuổi, trung bình từ 2-5 lao động/hộ. Có khi cả gia đình đều tham gia làm như nghề làm lưỡi câu hay nghề đan lợp lờ.
Những ngày này, xóm làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên không khí hết sức rộn rã. Ngày 24.7, đặt chân đến đầu xóm, chúng tôi nghe khắp nơi tiếng búa gõ. Từ những tiếng búa nhè nhẹ ấy mà nơi đây cho ra đời hàng triệu lưỡi câu cho nông dân trong vùng câu cá… Ông Nguyễn Văn Mỹ - chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu phấn khởi: “Trước khi nước lên vài tuần, làng nghề lưỡi câu ở đây đã bắt đầu làm nhiều, số lượng tăng gấp đôi so với trước. Bây giờ là cao điểm rồi, nhỏ lớn, trai gái gì cũng làm được, nhỏ thì cắt dây sắt, lớn thì dập lưỡi câu, trung bình cũng kiếm được 120.000 đồng/người/ngày…”.
Ở làng nghề đóng xuồng, ghe ở huyện Chợ Mới, không khí còn rộn rã, tưng bừng hơn nhiều. Tại 2 xã Mỹ Hiệp, Nhơn Mỹ, có cả trăm hộ cùng hơn 500 lao động đang miệt mài lao động cho ra những sản phẩm mới. Ông Nguyễn Thành Nghiệp- một thợ đóng xuồng ở cơ sở Hiệp Thành (xã Mỹ Hiệp) nói: “Hiện nay ở đây tập trung đóng xuồng và đang vào cao điểm sản xuất xuồng cui, xuồng lườn, xuồng Ông Chưởng, quy cách dài 5-6m, ngang 1,2m, hạn sử dụng từ 2 - 3 năm. Giá bán xuồng năm nay từ 1,2 - 2 triệu đồng/chiếc…”.
Những người phấn khởi nhất khi mùa nước nổi về có lẽ đó là những người làm nghề dầm chèo ở phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên. “Khi mùa nước nổi về là chúng tôi vào mùa làm ăn, nội trong xóm tôi có hơn chục hộ làm nghề này, năm-sáu chục người có thu nhập ổn định trong mấy tháng nước nổi với mức bình quân từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày” – ông Lê Văn Tiến - một người chuyên sản xuất dầm chèo ở phường Mỹ Thạnh cho hay.
Mùa bội thu Chỉ tay xuống con kinh Thoại Hà trước cửa nhà mình, lão nông Huỳnh Hữu Duyên (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) nói: “Không mong nước lớn nhưng năm nào nước nhỏ là tui thấy buồn lắm, vì nước nhỏ thì không có cá linh, xem như mất mấy lu nước mắm cá linh, ăn được cả năm chứ không ít…”. Ông Duyên cho biết, lúc còn nhỏ xíu, ông đã biết đánh lưới bắt cá linh vào mùa nước nổi, vừa gặt lúa hè thu xong là lòng cứ khấp khởi mong chờ nước nổi để kiếm cá linh ủ mắm, nấu nước mắm ăn.
Ở Thoại Sơn, vào thời điểm này, tức trước khi “nước nhảy khỏi bờ” độ vài ba tuần, người ta đã lo chuẩn bị đủ thứ. Người thì lợp lờ, người câu lưới… Ai khá giả thì kiếm vài lu mắm cá linh nấu nước mắm ăn cho nó hợp khẩu vị; ai nghèo khó thì lấy đó làm kế mưu sinh trong mùa nước nổi.
Anh Nguyễn Văn Phú - ngư dân ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân cho hay: “Lưới 3 màn mới có trong vài năm gần đây, nó là loại lưới có 3 kích cỡ khác nhau được ghép vào thành 1. Nghĩa là văng một tay lưới 3 màn là có thể bắt được cùng lúc 3 loại cá kích cỡ khác nhau. Đây là một phát minh của ngư dân đánh bắt cá bông lau ở Vàm Nao trong tình hình cá bông lau ngày một khan hiếm. Với loại lưới 3 màn này tụi tui có thể làm luôn trong mùa nước nổi chứ không phải thất nghiệp trong mấy tháng nước nổi như trước đây. Hết mùa cá bông lau, hễ nước đổi màu (dấu hiệu bắt đầu mùa nước nổi) là tụi tui văng lưới 3 màn này”.
Chúng tôi đến cồn Bà Hòa (xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) - nơi nổi tiếng về trồng các loại rau nhút, muống, ngổ, ấu… Đây là những loại cây cho thu nhập khá cao trong mùa nước nổi. Nếu các loại cá ngon ăn theo mùa nước nổi mà không có những vị thơm của cc loại rau này thì coi như cái ngon mất hết phân nửa…
Ông Sáu Ấu - nông dân ở xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành hồ hởi: “Rau nhút sau khi trồng chỉ 20 ngày là có thể thu hoạch, cứ khoảng 7-10 ngày hái một đợt, đến đợt thứ 7 mới trồng lại dây mới. Bình quân mỗi công tôi thu hoạch trên 300kg, bán với giá 3.000 đồng/kg, lời khoảng 1 triệu đồng/công. Riêng những tháng nước nổi thì năng suất tăng hơn gần gấp rưỡi vì rau tốt và đẹp hơn nhờ nước đổ có phù sa. Mấy bữa nay nước đổ (bắt đầu mùa nước nổi) rồi đó, rau tốt lên hẳn rồi đó, nhà báo thấy hông...?”.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.