Hậu "nhốt" dân trong thang máy: Keangnam thừa vòng vo, thiếu cáo lỗi

Thứ năm, ngày 31/05/2012 14:19 PM (GMT+7)
Dân Việt - “Chúng tôi hy vọng nhận được câu trả lời thỏa đáng và lời xin lỗi vì việc chậm trễ cứu hộ chứ không phải một bản giải thích toàn thuật ngữ khoa học như vậy” - một cư dân tại tòa nhà cho hay.
Bình luận 0

Để giải thích với cư dân Keangnam về sự cố mất điện gần nửa giờ đồng hồ khiến 6 cư dân bị "nhốt" trong thang máy, 2 em nhỏ ngất xỉu vào ngày 23.5, Keangnam đã gửi văn bản trả lời dài gần 2 trang giấy nhưng chỉ giải thích với những từ ngữ chuyên ngành khó hiểu.

img
Văn bản trả lời của Keangnam vòng vo, khó hiểu

Cầm trên tay văn bản giải thích mà cư dân Keangnam vẫn không hiểu tại sao tòa nhà lại mất điện lâu đến thế mà hệ thống điện dự phòng lại không hoạt động. Hơn nữa, họ rất bức xúc vì Keangnam tuyệt nhiên không đả động gì đến vấn đề nghiêm trọng nhất là cứu hộ những người bị mắc kẹt trong thang máy giữa đêm. Việc Chestnut, công ty quản lý tòa nhà đóng cửa, không tiếp cư dân sau sự cố cũng được chủ đầu tư “bỏ qua”.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một cư dân hiện đang sinh sống tại tòa nhà cho biết: “Cầm công văn trả lời của ông Ha trên tay, thực sự, chúng tôi không hiểu nổi vì sao lại mất điện. Một loạt những thuật ngữ khoa học được đưa ra nhưng càng đọc, chúng tôi càng rối”.

Cụ thể, công văn Keangnam Vina giải thích: "Sự cố mất điện là do lúc 19h20 ngày 23.5, lưới điện của công ty điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp bị mất, chỉ sau 3 giây, hệ thống phát điện tự động của tòa nhà được khởi động. Ở giây thứ 4, điện lưới của EVN lại được khôi phục khiến cho máy phát điện bị rơi vào trạng thái xung đột ngưng trệ. Trong quá trình nhận điện thụ động của bộ đổi nguồn ACB, do điện nguồn khởi động không đủ nên bộ đổi nguồn này đã không thể thực hiện chức năng của mình.

Do phát sinh dòng điện lạ trên panel cung cấp điện nguồn nên cơ chế tự ngắt ắc quy của bộ đổi nguồn được khởi động, ắc quy chuyển sang trạng thái ngăn điện nguồn khởi động. Trong số 6 biến áp thì có 2 chiếc có điện, số còn lại do khởi động trạng thái ngăn điện nguồn khởi động nên không thể nhận điện.

Vì 2 trong số 6 biến áp có điện nên máy phát điện tự động không thể khởi động được. Sau khi mở panel để cưỡng chế cấp điện vào các ACB nên quá trình cấp điện cho tòa nhà được hoàn tất".

Keangnam lý giải việc mất điện gần 30 phút là do hệ thống điện của tòa nhà vận hành theo cơ chế cấp điện thụ động luân phiên. Sự cố phát sinh chính là do các ắc quy bị chuyển đột ngột qua trạng thái ngăn điện.

Sau sự cố này, Keangnam Vina hứa sẽ khắc phục và ngăn ngừa bằng cách lắp đặt hệ thống tín hiệu đo điện ắc quy, đồng thời hướng dẫn đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật có thể nắm vững quy trình xử lý. Đồng thời, đơn vị này sẽ chuyển đổi phương pháp mới để đảm bảo máy phát điện vẫn được vận hành ngay cả khi điện lưới EVN đã được khôi phục và thay mới bộ đổi nguồn sang loại có thể chịu đựng hiệu thế cao hơn.

“Nhận được văn bản trả lời này, nếu không phải là kỹ sư điện, chắc không ai trong cộng đồng có thể hiểu được”, một cư dân bày tỏ quan điểm của mình.

Điều khiến cộng đồng dân cư bức xúc hơn là trong văn bản dài gần 2 trang mà ông Ha gửi cho họ lại không hề đả động về việc chậm trễ cứu hộ những người bị kẹt trong thang máy tối 23.5.

Anh Phạm Xuân Đại, cư dân sống tại căn A1510 bức xúc: “6 người bị nhốt giữa đêm tối trong thang máy gần 30 phút, thiếu ô xy, may mắn thoát chết mà họ coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi muốn đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra toàn bộ hệ thống an toàn của tòa nhà để tránh xảy ra sự cố về sau này".

“Chúng tôi hy vọng nhận được câu trả lời thỏa đáng và lời xin lỗi vì việc chậm trễ cứu hộ chứ không phải một bản giải thích toàn thuật ngữ khoa học như vậy”, anh K. một cư dân cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem