Hậu duệ Gia Cát Lượng và Chu Du: Cực kỳ nổi tiếng, trùng hợp kỳ lạ
Hậu duệ Gia Cát Lượng và Chu Du: Cực kỳ nổi tiếng, trùng hợp kỳ lạ
Thứ năm, ngày 29/08/2024 08:31 AM (GMT+7)
Có nhiều chi tiết về Gia Cát Lượng và Chu Du hoàn toàn khác với trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tất cả đều do chính hậu duệ đời sau hoặc gia phả của 2 nhân vật này tiết lộ.
Gia Cát Lượng (Khổng Minh) và Chu Du là hai hai vị quân sư kỳ phùng địch thủ thời Tam Quốc. Trong khi Gia Cát Lượng phục vụ Thục Hán thì Chu Du chọn phe Đông Ngô. Sau hàng nghìn năm, giờ đây cả hai đều đã là người thiên cổ, nhưng hậu duệ của họ thì vẫn còn tồn tại, thậm chí rất nổi tiếng. Một điều trùng hợp kỳ lạ là, hậu duệ của Gia Cát Lượng và Chu Du đều có những người là nghệ sĩ lừng danh.
Hậu duệ Gia Cát Lượng
Đầu tiên phải kể đến Gia Cát Lượng. Trong Tam Quốc Chí, ông được kể là người Dương Đô - Lang Nha, nay thuộc Tân Nam – Sơn Đông. Vị quân sư lấy vợ suốt 20 năm không có con, mãi đến khi Gia Cát Lượng 47 tuổi mới được hưởng niềm vui làm cha. Con trai đầu của ông là Gia Cát Chiêm, về sau có thêm Gia Cát Hoài. Gia Cát Chiêm có 2 người con là Gia Cát Thượng và Gia Cát Kinh.
Sau nhiều năm binh biến, chỉ còn dòng chính Gia Cát Kinh là tồn tại được. Đến đời Tây Tấn (265 – 274), triều đình đã phong Gia Cát Kihh làm huyện lệnh huyện Quận (nay là huyện My, tỉnh Thiểm Tây), rồi đến chức thứ sử Giang Châu. Cũng từ đây dòng họ Gia Cát dần dịch chuyển về sống ở phía Nam.
Hậu duệ đời 63 của Gia Cát Lượng là cái tên rất nổi tiếng ở Hồng Kông – Gia Cát Tử Kỳ (SN 1983 ở Bắc Kinh). Cô là ca sĩ kiêm người mẫu, từ bé đã đến Canada định cư. Tử Kỳ từng được mệnh danh là gương mặt ăn ảnh bậc nhất ngành giải trí Hồng Kông.
Đặc biệt, hậu duệ đời 63 của Gia Cát Lượng được nhận xét là thừa hưởng nhiều yếu tố di truyền từ cụ tổ như sự thông minh, tư duy, logic… Cô có thể học thoại nhanh, nắm bắt kỹ xảo tốt và tư thế tạo hình cũng rất thông minh. Gia Cát Tử Kỳ thậm chí còn có thể xem chỉ tay, phong thủy, bói dịch cho người khác. Tuy không thể có năng lực như Gia Cát Lượng nhưng điểm này được cho là rất giống vị quân sư.
Gia Cát Tử Kỳ từng được nghe nhiều câu chuyện từ các tiền bối trong gia tộc, nói về thời Tam Quốc. Cô từng gây xôn xao khi tiết lộ: “Về trận Không thành kế (kế mở trống thành) đánh lừa Tư Mã Ý, ông cố tôi kể lại là của Thường thắng tướng quân Triệu Tử Long chứ không phải do ông tổ Khổng Minh của tôi làm”.
Hậu duệ Chu Du
Trong khi đó, hậu duệ của Chu Du còn có một cái tên nổi đình nổi đám hơn cả Gia Cát Tử Kỳ. Anh là diễn viên điện ảnh Châu (Chu) Nhuận Phát. Châu Nhuận Phát thuộc dòng chính từ Chu Ứng Đẩu, tác ra nhánh Chu gia ở Triều Dương – Quảng Đông.
Trước đây, nhiều người đã hy vọng Châu Nhuận Phát được đạo diễn Ngô Vũ Sâm chọn đóng vai Chu Du trong Đại Chiến Xích Bích. Nam diễn viên có vóc dáng rất phù hợp, lại là hậu duệ của vị tướng này. Tuy nhiên, rất tiếc là chuyện đó đã không thành sự thật. Về sau Châu Nhuận Phát tiết lộ mình không tham gia bộ phim vì một số yêu cầu đoàn làm phim không thể đáp ứng được.
Theo ông Chu Bá Tuyền, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Nghiên cứu lịch sử văn hóa Viêm Hoàng Trung Quốc, hậu duệ đời thứ 63 của Chu Du (175-210), hiện nay vùng Mật Hồ, An Phúc, tỉnh Giang Tây có nhiều con cháu của Chu Du nhất.
Họ là dòng chính từ con trai thứ của vị tướng Đông Ngô – Chu Dẫn. Trước đó, con lớn của Chu Du là Chu Tuần mất sớm, còn Chu Dẫn vì bất kính với Tôn Quyền nên bị đày ra quận Lư Lăng (nay là Ô Đông – Cát An, tỉnh Giang Tây).
Theo miêu tả, Chu Du có tài thao lược mà còn tinh thông âm luật, có thể gọi là văn võ song toàn. Không chỉ vậy, ông còn sở hữu vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú. Chu Du lớn hơn Gia Cát Lượng 6 tuổi và ngoài đời khác hẳn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Ông không hẹp hòi, đố kỵ với Gia Cát Lượng. Ngược lại, Chu Du là người rộng rãi, khoan nhượng. Xưa kia trong trận Xích Bích, Chu Du mới là người nghĩ ra kế “dùng thuyền cỏ mượn tên”. Trước khi ông qua đời cũng chưa bao giờ nói câu: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?”.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể lại rằng, Chu Du sau khi nghe Khổng Minh mắng đã tức đến mức hộc máu mà chết. Tuy nhiên, theo gia phả Tích Sơn Châu thị đại thống châu phổ thì ông mất vì bị trúng tên độc của quân Tào Tháo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.