Hậu quả của thuốc cam: Chẳng lẽ bó tay?

Thứ hai, ngày 30/04/2012 13:30 PM (GMT+7)
Vụ trẻ nhiễm độc chì do dùng thuốc cam đã diễn ra cách đây cả vài tháng. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về các trường hợp lạm dụng thuốc cam nhưng đến nay vẫn có hàng chục nạn nhân thuốc cam xuất hiện.
Bình luận 0

Câu hỏi được đặt ra, phải chăng ý thức người dân quá kém hay do cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc?

Tấp nập đưa con đi xét nghiệm chì

Có mặt tại Trung tâm Chống độc từ sáng sớm, chị Trần Thị Thanh (thị trấn Phúc Thọ, Hà Nội) đưa con trai mới 10 tháng tuổi đi xét nghiệm nhiễm độc chì. Theo lời kể của chị, cách đây ít hôm bé bị tiêu chảy mãi không khỏi, nghe hàng xóm mách chị đến nhà một ông lang gia truyền mua thuốc cam cho con với giá 20 nghìn đồng. Thuốc uống 2 liều trong 4 ngày, nhưng uống hết hai ngày mà cháu không đỡ bệnh nên chị không cho con uống nữa.

Tuy nhiên, sau một tuần nghe phong thanh về nguy cơ trẻ nhiễm độc chì do dùng thuốc cam, chị mới tá hoả cho con nhập viện để xét nghiệm. “Cháu mới chỉ uống một ít nhưng tôi vẫn đưa con đi xét nghiệm cho yên tâm. Cháu đã được lấy mẫu máu, nước tiểu xét nghiệm rồi nhưng 3 tuần nữa mới có kết quả. Có bệnh thì vái tứ phương, thấy con bị ốm, tôi chỉ muốn tìm cách chữa cho con mau khỏi. Cứ ngỡ uống thuốc đông y là… vô hại”.

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 2 tuần gần đây số trẻ đến xét nghiệm chì tại trung tâm vẫn tiếp tục tăng cao. Trung bình một ngày Trung tâm Chống độc có 50-70 trẻ đến khám.

Theo PGS - TS Bế Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc thì xét nghiệm chì phải sau 3 tuần mới có kết quả . Vì thế chỉ những cháu có biểu hiện lâm sàng rõ, đặc biệt thì mới được điều trị hồi sức. Các bé còn lại đều phải chờ kết quả xét nghiệm mới có chỉ định chữa.

Trong số những bé đến khám xét nghiệm chì đã có khoảng 10% phải nhập viện. Trẻ ngộ độc chì cấp thường có các biểu hiện như co giật, hôn mê, quấy khóc, vài ba tuần do thiếu máu, cơ thể xanh xao, nhợt nhạt… Đa phần còn lại không có biểu hiện rõ ràng.

Cơ quan chức năng kêu “khó”

Trong khi cha mẹ trẻ lo lắng hoang mang, thì tại nhiều các bệnh viện và các cơ quan chuyên môn cũng đang lúng túng trong khâu phát hiện, xử lý.

Theo bác sỹ Thu, trẻ bị ngộ độc chì nặng sẽ để lại di chứng nghiêm trọng, lâu dài do tổn hại hệ thần kinh trung ương, mất trí nhớ, cơ bắp co rút gây bại liệt, rối loạn hành vi. Tuy nhiên, tại Trung tâm Chống độc, việc điều trị cho các bệnh nhi nhiễm độc chì lại gặp nhiều khó khăn.

Nếu như điều trị ngộ độc chì ở người lớn có thể khỏi hoàn toàn thì với bệnh nhi lại không đơn giản. Trước đây trung tâm đã có phác đồ điều trị cho người lớn, nhưng với trẻ nhỏ phải cần đến một phác đồ mới. Liều lượng thuốc thải độc dùng cho trẻ cũng phải tăng giảm khác với người lớn và cần được theo dõi kỹ bởi cơ thể trẻ còn rất yếu trong khi bản thân thuốc thải độc lại là con dao 2 lưỡi.

“Đặc biệt, các loại thuốc điều trị ngộ độc chì này không phải lúc nào cần cũng có mà trông chờ vào nguồn nhập khẩu. Giá thuốc đắt, cộng thêm với hạn sử dụng ngắn khiến việc nhập khẩu thuốc đang rất khó khăn”. – TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) phân trần.

Trước thực trạng này, Vụ Y dược cổ truyền đã có công văn gửi 63 sở y tế yêu cầu tăng cường công tác quản lý hành nghề tư nhân, nghiêm cấm bán thuốc dạo, khám và bốc thuốc không được phép. Tại Hà Nội, Sở Y tế cũng đã vào cuộc, nhưng tới nay toàn thành phố cũng mới chỉ đình chỉ được 3 cơ sở sản xuất, bán thuốc cam có chứa chì.

Số cơ sở được kiểm tra lấy mẫu các sản phẩm đưa đi xét nghiệm cũng rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, theo TS Duệ, điều đáng lo ngại là đa phần trẻ ngộ độc chì do mua thuốc cam của người bán thuốc dạo hoặc bán ở các cơ sở tư nhân tại các vùng ngoại thành-nơi người dân có ít thông tin và có phần “xuề xòa” hơn trong việc mua, dùng thuốc…

Theo ông Cung Hồng Sơn - Vụ phó Vụ y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thì đến nay mới có 3 sở Y tế trên cả nước có báo cáo thanh kiểm tra thuốc cam tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Trong khi đó, lực lượng thanh kiểm tra lại mỏng, việc phát hiện chủ yếu dựa vào nguồn tin của người nhà bệnh nhân bị ngộ độc chì cung cấp nên rất khó xử lý. Như vậy, ngoài việc nhờ dân chỉ điểm thì các cơ quan chức năng cũng chưa thể tìm ra được phương thức hiệu quả để “diệt tận gốc” các cửa hàng bán thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân, TS. Phạm Duệ khuyến cáo: “Người dân nên thận trọng khi dùng thuốc cam để trị bệnh cho con, nhất là các thuốc cam không rõ nguồn gốc. Tốt nhất khi con có bệnh nên đưa trẻ đi bệnh viện, tuyệt đối không được dùng thuốc bừa bãi khi không có chỉ định của bác sĩ”.

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem