Hé lộ bí mật những cổ vật trong hang “Ma Xá”

Minh Phượng Thứ sáu, ngày 17/10/2014 14:06 PM (GMT+7)
Qua những gì được khám phá, khiến cho chúng tôi đưa ra nhiều nhận định. Tuy nhiên những nhận định đó chưa lô zích và cũng không có căn cứ khoa học xác minh... Và chúng tôi đã tìm đến các cụ cao niên ở trong bản, nhà nghiên cứu văn hóa, người buôn bán đổ cổ trong hang động để xác minh.
Bình luận 0

Gợi mở bí mật từ già làng

Quay trở lại lều, anh Tinh kể: “Thời còn chăn trâu, tôi nhặt được xương sườn, xương ống chân, đa phần nó đều to và dài hơn người Thái rất nhiều. Lúc đó tôi lấy xương ống chân đo vào ông Cao Thắng người cao 1,82m ở trong làng thì nó dài hơn 15cm. Chắc chắn không phải xương mình đâu, nó dài như xương người Mỹ, người Pháp ấy”.

img Bên dưới lớp đất vẫn còn rất nhiều quan tài.

Anh Thuấn góp chuyện: “Cách đây mấy chục năm khi hợp tác xã chưa giao khoán đất, lúc lấy phân ở trong hang, cụ nhà tôi hồi còn là chủ nhiệm hợp tác xã lấy được một cái đầu to mang về làm “cà pô”, (tiếng Thái “ca pô” là cái mõ, họ gõ để báo hiệu việc làng). Về sau, có người còn nghe rõ tiếng hú phát ra từ trong hang, chắc đấy là do linh hồn của bộ tộc lạ này hiện về…”.

Xuống bản, chúng tôi tìm đến cụ Lương Văn Thịnh (95 tuổi). Theo như các cụ kể lại thì cụ Thịnh cho rằng, những cỗ quan tài này là bộ tộc Xá của Trung Quốc di cư sang. Bộ tộc này họ thường có tập quát người sống và người chết ở cùng nhau trong hang động. Cụ Thịnh cho rằng, đây không phải là tổ tiên của người Thái, vì khi người Thái chết họ chỉ chôn theo đá bia rồi khắc chữ.

img Anh Lục Văn Tinh kể chuyện nhặt được xương người Xá.

Hiện trong nhà cụ Thịnh vẫn còn giữ một chiếc rìu đã cổ lấy từ trên “hang ma Xá” về. Ông Lương Đình Thi (61 tuổi) đưa ra chiếc rìu đá ấy thì nó bóng nhẵn, nặng, sắc lẹm. Phía chuôi được đẽo theo khuôn vuông để lắp cán, độ cứng của nó tương đương như rìu sắt. Theo ông Thi, mới đây những người dò vàng bạc, đổ cổ họ còn tìm được cả kiếm, và rất nhiều rìu đá loại này ở trong hang.

img Trưởng bản Lương Đình Thuấn chỉ xuống khu vực chôn quan tài.

Suy luận từ nhà buôn bán đồ cổ                                                      

Chiều ngày hôm ấy, chúng tôi đến bản Chiềng Lau, xã Ban Công tìm gặp anh Hà Văn Cường người có thâm niên trong nghề buôn bán đồ cổ trong các hang động. Bởi thời gian gần đây đoàn anh Cường đã trực tiếp đến hang Xá lục lọi báu vật, tuy nhiên không hề tìm được vàng bạc hay châu báu gì cả, chẳng qua chỉ là tin đồn.

Để lý giải về bộ tộc bí ẩn này, anh Cường suy luận: “Xương có trong hang Xá là do bộ tộc Xá của Trung Quốc đến đây ở vào giai đoạn đầu đời nhà Hán. Bộ tộc này chuyên sống trên núi cao, đời sống của họ chủ yếu dựa vào rừng núi, vách đá. Họ có thủ lĩnh, thậm chí họ còn xuống bản bắt con gái đẹp lên hang để hãm hiếm rồi giết chết ở trên đó”.

img Vỏ ốc suối tìm thấy ở trong hang

Theo anh Cường, bộ tộc này rất thông minh, chính cách chôn người chết của họ đã nói lên điều này. Người Việt thường chôn quan tài đơn giản, tuy nhiên người Xá thì họ đã biết “sơn táng”, bởi xương để trong hang động có thể giữ được hàng ngàn năm”. Lý giải chuyện nhìn thấy mặt trời mọc và lặn ở trong hang, anh Cường nói tiếp: “Người phương đông họ luôn chú trọng ánh sáng mặt trời, vì ánh sáng là sự sống. Họ có quan niệm rằng khi chết con người cũng cần được chiếu sáng”.

Anh Cường còn cho rằng, ở trong các hang động trên các vách đá vẫn còn nhiều đồ cổ bằng sắt, tuy nhiên không ai dám lấy. Bởi những cỗ quan tài này chắc chắn có điều gì đó khuất tất thì mới tồn tại được lâu như vậy. Thời kỳ nhà Hán, người dân đã biết sử dụng thuốc độc để táng quan tài. Nếu không biết quy luật táng thức quan tài của từng triều đại thì khó mà lấy được đồ cổ.

img Ông Lương Đình Thi đưa ra chiếc rìu đá cổ.

Mới đây đoàn anh Cường còn dò được hai thanh kiếm mũi vát có chiều dài 50cm ở trong hang Xá. Cùng thời điểm này, một đoàn khác cũng tìm được tiền xu bằng đồng. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Cường cho rằng tất cả những đồ này là cuối thời nhà Hán chứ không cùng thời điểm chôn quan tài. Vì trước thời điểm này họ chưa biết sử dụng tiền, vàng để trao đổi, buôn bán.

img
Ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái.

 

Lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Thái

Ông Hà Nam Ninh (63 tuổi), là nhà nghiên cứ văn hóa của người Thái cho rằng, ở khu vực miền tây xứ Thanh, không chỉ có hang Xá mà còn rất nhiều những hang quan tài được táng thức kiểu này. Đa số họ đều “sơn táng” trên vách đá hoặc các hang động, cách thức táng quan tài cũng tương tự như nhau.

Theo ông Ninh, hiện ở miền tây Thanh Hóa chỉ có người Giới và người Xá mới có kiểu táng thức kỳ lạ này. Ở xã Hạ Trung có hang “ma Xá”, ở làng Khuyn có hang Xá, ở xã Kỳ Tân có tá Xá. Người Giới thì có ở xã Kỳ Tân, Mường Ca Da thuộc xã Hồi Xuân (Quan Hóa), ở làng Buốc của xã Lâm Phú (Lang Chánh)...

Chúng có đặc điểm chung là chọn đồi cao, đỉnh tròn làm đồn hay còn gọi là đồn giới. Xung quanh có hào lũy, người Giới thường to cao. Phương thức sản xuất của họ chủ yếu là săn bắn hái lượm... Chính vì vậy mà các hang động thường có rất nhiều vỏ ốc trong quan tài. Họ đều là người rất hiếu chiến, lại biết sử dụng cung nỏ, tuy nhiên họ sẽ bị thất bại nếu bị bao vây do không có nguồn nước.

Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa giải thích được những người chết trong các hang động này thuộc bộ tộc nào. Ngay như hang Phi ở xã Hồi Xuân (Quan Hóa) nhiều người cũng đã tìm thấy hòm gỗ, có cả xương thế nhưng chưa có ai xác định được nhân chủng học. Chắc chắn rằng đây là một tộc người thuộc dòng Nam Á, không phải là thời kỳ cổ đại lắm.

Thời gian gần đây, nhiều người còn tìm được kiếm, rìu đá, tiền xu, đây là do nhiều thời kỳ chồng lên nhau chứ không phải liên tục một lúc. Cũng có thể một thời kỳ nào đó sảy ra chiến tranh, hoặc một đội quân nào đó muốn dấu kín tung tích bộ tộc này đi. Hoặc giữa các bộ tộc sảy ra mâu thuẫn nên chúng đã tự tiêu diệt lẫn nhau rồi mang xác vào các hang núi chôn cất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem