Hé lộ lý do trạm BOT “chia cắt” Quảng Trị nhưng không thể di dời

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 28/06/2023 09:37 AM (GMT+7)
Trạm BOT Quảng Trị chia cắt tỉnh Quảng Trị, gây khó khăn cho việc kết nối hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế của tỉnh nhưng không thể di dời. Lý do vừa được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tiết lộ.
Bình luận 0

Ngày 28/6, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh nhận được nhiều ý kiến của nhân dân về sự bất cập của trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại Km763+800 trên quốc lộ 1A (đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong).

Hé lộ lý do trạm BOT “chia cắt” Quảng Trị nhưng không thể di dời - Ảnh 1.

Trung ương cần xem xét phương án hợp lý để xử lý trạm BOT, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Quảng Trị. Ảnh: H.T

Vị trí này nằm giữa tuyến đường độc đạo Bắc – Nam qua tỉnh Quảng Trị, tại cửa ngõ phía Nam vào thành phố Đông Hà – là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, trạm BOT nằm giữa 2 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Đông Hà và Khu di tích đặc biệt quốc gia Thành cổ Quảng Trị - thị xã Quảng Trị, chia cắt trung tâm của 3 đơn vị hành chính cấp huyện, giữa Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng.

Hằng ngày, các phương tiện của các tổ chức, cá nhân ở các địa phương này thường xuyên qua lại trạm BOT để vào trung tâm hành chính tỉnh và các phương tiện trên địa bàn thành phố Đông Hà đi vào phía trạm đều phải đi qua trạm BOT.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Công ty Đất Thép Vina bức xúc cho biết, người dân hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng thường nói với nhau, ngày xưa trong chiến tranh, Quảng Trị bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 (cầu Hiền Lương – sông Bến Hải). Còn bây giờ, tự chúng ta "chia cắt" bằng trạm vé BOT.

Theo ông Dũng, so sánh đó chỉ mang tính minh hoạ nhưng là tiếng lòng của nhân dân, mong lãnh đạo các cấp thấu hiểu.

Hé lộ lý do trạm BOT “chia cắt” Quảng Trị nhưng không thể di dời - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Công ty Đất Thép Vina bức xúc khi nói về sự bất hợp lý của trạm BOT Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Một người dân mua chiếc xe tải nhỏ, chở một chuyến hàng từ thị xã Quảng Trị ra tới thành phố Đông Hà, lời lãi chẳng được bao nhiêu mà phải đóng phí BOT thì còn gì nuôi vợ con" – ông Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, sau khi đoạn tuyến BOT từ thị trấn Gio Linh đi thành phố Đông Hà đưa vào hoạt động, mặc dù người dân chỉ sử dụng chưa đến một nửa chiều dài tuyến đường BOT nhưng phải trả dịch vụ cho cả tuyến gây bức xúc.

Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, trạm BOT Quảng Trị đã đặt cách đây gần 10 năm. Thời điểm đó phong trào BOT rất rầm rộ để huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội. Khi đặt trạm BOT ở Km763+800, tỉnh Quảng Trị đã đồng thuận với Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Đến bây giờ phát hiện sự bất hợp lý. Không chỉ đơn giản là phải đóng mấy chục ngàn đồng tiền vé qua trạm BOT mà quan trọng hơn là các hệ thống đấu nối, đường dân sinh, đường kinh tế động lực, đường dọc, đường ngang của huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng và một phần của thành phố Đông Hà đều bị Bộ GTVT từ chối, không cho đấu nối vào Quốc lộ 1A đoạn qua BOT.

Khi tỉnh làm việc thì Bộ GTVT trả lời, việc này Bộ đã cam kết với nhà đầu tư, nếu cho đấu nối sẽ phân luồng xe, gây thất thu cho trạm BOT, ảnh hưởng kế hoạch thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Hé lộ lý do trạm BOT “chia cắt” Quảng Trị nhưng không thể di dời - Ảnh 4.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiết lộ lý do vì sao không thể di dời trạm BOT. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo ông Đồng, cơ quan các cấp của tỉnh Quảng Trị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tiếp thu ý kiến nhân dân, nhiều lần có ý kiến với Bộ GTVT đề nghị di dời trạm BOT vào phía Nam của tỉnh, đặt giữa 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Tuy nhiên, Bộ GTVT trả lời việc đó trái với luật BOT là làm đường ở đâu thì đặt trạm ở đó, không được làm đường một nơi đặt trạm BOT một nẻo.

Mới đây, tại kỳ họp Quốc hội, ông Hà Sỹ Đồng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT với nội dung, trạm BOT chia cắt tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng đời sống nhân dân và phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế của tỉnh… Đoạn đường tránh phía Đông tránh thành phố Đông Hà từ vốn ngân sách cũng phải đi qua trạm BOT Quảng Trị. Vì vậy, đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hai giải pháp. Một là di dời trạm vào phía Nam. Nhưng giải pháp này khó vì trái luật BOT.

"Giải pháp thứ hai tôi nhấn mạnh, Quảng Trị đã thiệt thòi, đã vì cả nước nhiều rồi, bây giờ cả nước phải vì Quảng Trị, bỏ tiền ngân sách mua lại trạm BOT này nhằm tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Bộ GTVT đã tiếp thu nhưng chưa biết kết quả xử lý như thế nào. Khó khăn lắm thì trung ương hỗ trợ 70%-80%, còn lại Quảng Trị trả dần để mua lại BOT" – ông Đồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem