Nhận rừng, gia đình ông dồn hết công sức cải tạo trồng lại 10ha rừng đước, còn 8ha mặt nước nuôi tôm. Theo ông Ánh, đước dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Khi đước chưa lan rộng, ông nuôi tôm, cua, đủ nuôi sống gia đình.
|
Mô hình rừng - tôm của ông Ánh. |
Với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, mỗi năm ông thu trên 500 triệu đồng; đồng thời góp phần khôi phục lại màu xanh cây đước ở vùng ngập mặn Hố Gùi.
Quyết làm giàu trên vùng đất ngập mặn, ông xây dựng bờ bao vững chắc; cải tạo 1.200m2 đất, đào 5 ao thả cá nước ngọt trê, chép, tra, tai tượng. Vụ đầu tiên ông thu trên 1 tấn cá thịt, lãi hàng chục triệu đồng. Không chỉ có cá, ông trồng thêm bông súng, trên bờ ao trồng rau xanh. Với mô hình rừng - tôm - cá - rau màu, 700 triệu đồng là tiền thu ổn định hàng năm của gia đình ông (tôm trên 500 triệu, con cá và rau màu trên 200 triệu đồng).
Năm 2012, ông đưa thêm con hàu vào ôm gốc đước, vụ hàu đầu tiên ông thu về hàng chục triệu đồng. Đước đã đến kỳ thu hoạch, ông ước tính khai thác lần này mỗi ha đem về cho gia đình khoảng 300 triệu đồng.
Ông Ánh chia sẻ kinh nghiệm, nuôi tôm quan trọng nhất là ổn định các yếu tố về môi trường. Đước giúp tôm có môi trường sạch, tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Nuôi tôm dưới tán rừng, ông thả tôm giống theo kiểu nối đuôi, mỗi tháng thả 100.000 con giống; ngày trời im gió, nước lên ít mới thay nước trong vuông nuôi, mỗi lần xả khoảng ¼ lượng nước. Hàng năm vét cải tạo 1/3 diện tích kênh, mương. Với cách làm này, tôm trong vuông không bị sốc, nhiều thủy sản khác có điều kiện phát triển, tạo ra hệ sinh thái mặn đa dạnh dưới chân rừng, tôm nuôi theo hướng bền vững...
Dám nghĩ dám làm, đầy tình nhân ái, 15 hộ nghèo được ông hỗ trợ 100 triệu đồng mua con giống, mở dịch vụ. Gia đình ông còn hiến 6.000m2 đất cùng chính quyền xây trường học lo cái chữ cho con em làng cá Hố Gùi.
Thái Quỳnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.