Hệ thống vệ tinh siêu hiện đại Mỹ đã "lật tẩy" tên lửa bắn rơi MH17?

Minh Nhân Thứ ba, ngày 22/07/2014 06:36 AM (GMT+7)
Mới đây truyền thông Mỹ công bố rằng, lực lượng tình báo nước này đã có được những bằng chứng tìm ra lời giải về những bí mật liên quan đến tên lửa bắn rơi máy bay MH17 qua theo dõi hệ thống vệ tinh của Mỹ phủ sóng liên tục trên lãnh thổ Nga và Ukraine.
Bình luận 0

Cơ chế hoạt động tinh vi

“Chúng có thể biết được chính xác nơi tên lửa được phóng, nơi nó lao tới nó lao tới, và tốc độ bay của tên lửa”, ông Riki Ellison, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa (MDAA) cho biết trên tờ báo Los Angeles Times  ngày 19.7 khi nói về hệ thống vệ tinh trên.

img

Hệ thống vệ tinh hồng ngoại cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa của Mỹ. Ảnh: Sapce.com

Cụ thể, theo ông Ellison, hệ thống các vệ tinh ghi dò âm thanh và các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ có thể xác định được vị trí nơi phóng tên lửa và quỹ đạo bay của tên lửa bắn trúng máy bay MH17 của Malaysia ở độ cao 33.000 feet.

Quá trình đó được thực hiện dựa theo công nghệ do thám tình báo tín hiệu và đo lường, gọi tắt là MASINT. Phương pháp này cho phép vệ tinh theo dõi và xác định một loạt các tín hiệu điện tử, bao gồm cả những tín hiệu của radar thuộc hệ thống tên lửa.

Bên cạnh đó, Không quân Mỹ còn có các vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo của Trái đất sử dụng hệ thống cảm biến hồng ngoại có thể phát hiện các tín hiệu nhiệt được phát ra từ tên lửa khi được phóng ở dưới mặt đất. Những vệ tinh này nằm trong Chương trình Hỗ trợ Quốc phòng để cung cấp những cảnh báo sớm về các cuộc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Thậm chí nó còn nhạy đến mức phát hiện được cả những nơi nào đang có cháy rừng.

Một khi thiết lập hệ thống vệ tinh trên của Mỹ ở khu vực Nga và Ukraine sẽ hỗ trợ Mỹ theo dõi bất kỳ hoạt động tên lửa đất đối không nào, kể cả tên lửa Buk mà theo các quan chức Ukraine cho rằng do Nga chế tạo. Các thông tin thu thập được từ vệ tinh sẽ được chuyển tiếp tới Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ có trụ sở tại Stuttgart, Đức.

Riêng, các vệ tinh ghi âm cực nhạy của Mỹ còn có thể chụp một loạt các tín hiệu điện tử từ hệ thống phòng thủ của các quốc gia khác, cho phép các nhà phân tích xác định được nguồn gốc của các tín hiệu và các loại vũ khí đã được sử dụng.

Điều này có nghĩa rằng, hoạt động của hệ thống tên lửa Buk cũng không nằm ngoài sự theo dõi. Một khi hệ thống tên lửa Buk khởi động nó sẽ sử dụng hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng loại radar cực mạnh để tìm mục tiêu và sau đó định vị cho tên lửa bắn mục tiêu. Đến một thời điểm nhất định khi bay, tên lửa sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống radar của riêng nó và phát ra một tín hiệu duy nhất.

Ngay cả những tín hiệu được phát ra trong thời gian ngắn tính theo giây hay vài phút cũng sẽ được vệ tinh Mỹ kiểm tra chéo các vị trí bắn tên lửa và theo dõi quỹ đạo của tên lửa.

Chương trình vệ tinh hàng tỷ USD

Theo trang Space.com tiết lộ, bắt đầu từ Chiến tranh Lạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có một hệ thống vệ tinh không gian trị giá hàng tỷ USD để cung cấp tín hiệu cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

img

Tên lửa Atlas 5 phóng vệ tinh quân sự tinh vi GEO-1 của Mỹ vào năm 2011. Ảnh: Space.com

"Đây là một hệ thống rất, rất chính xác đã phủ sóng liên tục, đặc biệt là trên lãnh thổ Nga và Ukraine," Riki Ellison cho biết.

Từ những năm 1970, trong Chương trình Hỗ trợ Quốc phòng (DSP), Lầu Năm Góc đã quyết định cho phóng một loạt các vệ tinh ở các quỹ đạo cao cùng với các kính thiên văn hồng ngoại để theo dõi Trái đất. Hệ thống này liên tục theo dõi các luồng khí nóng được phát ra từ tên lửa để cảnh báo các mối đe dọa xảy ra.

Không những thế, trong vài năm qua, DSP còn trải qua một đợt nâng cấp lớn, để trở thành một hệ thống hạ tầng không gian hồng ngoại (SBIRS) bằng việc phóng các vệ tinh chất lượng tốt hơn có khả năng phát hiện các tên lửa bay với tốc độ nhanh hơn với những tín hiệu khó nắm bắt hơn.

SBIRS hiện nay bao gồm hai vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh Trái Đất (GEO), do Lockheed Martin phát triển, hoạt động ở độ cao 35.400 km. Vệ tinh đầu tiên là GEO-1 được phóng từ Cape Canaveral tháng 5.2011. Mới đây, Lockheed Martin vừa công bố rằng hãng này đã giành được một hợp đồng trị giá 1,86 tỷ USD để hoàn thành nốt vệ tinh GEO thứ 5 và thứ 6 trong hệ thống SBIRS.

Trang Space.com hé mở một chi tiết quan trọng rằng, khả năng vụ tên lửa bắn MH17 đã tạo ra một đốm sáng báo động tại Căn cứ Không quân Buckley ở Colorado, nơi những dữ liệu từ SBIRS được xử lý. Những phát hiện này đủ để truy tìm chính xác vị trí tên lửa được bắn ra và đó là loại tên lửa nào.

"Mỗi tên lửa có một chùm tín hiệu nhận dạng khác nhau" ông Ellison nói trên Space.com ngày 18.9. "Vệ tinh quân sự trong khu vực cũng có thể thu thập thêm thông tin để cung cấp cho Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ", ông Ellison cho biết thêm trên Space.com.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem