Dù nằm sát thị trấn Ba Tri nhưng đến đầu năm 2011, xã An Đức vẫn còn 36% hộ chưa xóa xong nghèo.
Nghèo vì thiếu vốn làm ăn
|
Anh Đào Văn Bình mỗi năm lãi gần 100 triệu đồng từ nuôi gà thả vườn. |
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã An Đức, tỉ lệ hộ nghèo của xã cao do bình quân diện tích đất sản xuất chưa tới 5.000m2/hộ và chỉ làm được 1 vụ lúa/năm, năng suất thấp; 6 tháng còn lại đất bị mặn xâm nhập, ND muốn chuyển sang nuôi tôm nhưng thiếu vốn.
An Đức lại không có nghề phụ nên những người còn chút sức khỏe sau vụ thu hoạch lúa kéo nhau xuống Cà Mau đào đất thuê cho người nuôi tôm, hoặc lên miền Đông làm mướn…
"Không ít hộ đem ruộng cho người nuôi tôm thuê với giá chỉ 5 triệu đồng/ha/năm. Cho thuê vài năm, có người bán luôn rồi đi làm mướn ngay trên mảnh ruộng của mình. Từ khi được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, nhiều hộ đã có cơ hội vươn lên"- ông Phạm Văn Giác - Chủ tịch Hội ND xã An Đức cho hay.
Mỗi năm thu 100 triệu đồng
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tri, đến cuối năm 2010, dư nợ tín dụng hộ nghèo ở An Đức đạt gần 6 tỷ đồng, với 535 hộ vay để phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Gia đình anh Đào Văn Bình ở ấp 8 quanh năm quanh quẩn với 3.000m2 vừa đất ruộng vừa vườn tạp, mỗi năm thu chưa nổi 10 triệu đồng. Vợ chồng anh tận dụng mảnh đất vườn lâu nay trồng trúc để nuôi xen gà thả vườn.
Năm 2008, anh được Hội ND xã bảo lãnh, Ngân hàng CSXH cho gia đình anh vay 15 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, mỗi lứa anh nuôi 11.000 con gà. “Nuôi 4 tháng, xuất chuồng, bán được 80 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 50 triệu đồng. Mỗi năm vợ chồng tôi nuôi 2 lứa, thu 100 triệu. Mừng hơn nữa, trong nhà ai cũng có việc làm" - vợ anh Bình phấn khởi nói.
Trong số 139,333 tỷ đồng dư nợ tín dụng 5 chương trình trên địa bàn Ba Tri năm 2010 của 17.110 hộ vay, trong đó 50% dư nợ là cho vay hộ nghèo.
Ông Đỗ Hùng Vĩ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tri
Dịp Tết Tân Mão, vợ chồng anh Bình vui hơn nữa vì giá gà năm nay cao hơn mọi năm, thương lái đã đặt mua hết chuồng ngay từ đầu tháng Chạp.
"Nhờ Ngân hàng CSXH cho vay chu kỳ trung hạn, chúng em không phải vay chợ đen lãi suất gấp 12 lần so với vay Ngân hàng CSXH. Năm 2009, gia đình em xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã"- anh Bình tâm sự.
Không thước đất trồng lúa, quanh năm lấy làm mướn làm nghề mưu sinh, đầu năm 2010, anh Cao Thanh Bình tham gia tổ vay vốn tiết kiệm của Hội ND xã. Ngay lập tức, anh được Hội giới thiệu, Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng. Số tiền này, anh mua 2 con bò và 4 con dê sinh sản.
Vừa thay nhau làm mướn, vừa chăm sóc bò, dê chỉ ít tháng nữa cả bò và dê sẽ đẻ. "Tiền làm mướn hàng tháng chúng em trích trả lãi và góp tiết kiệm, ráng vài năm nữa sẽ xóa tên trong sổ hộ nghèo"- anh Bình tâm nguyện.
Trao đổi về khả năng xóa nghèo của hội viên, ông Phạm Văn Giác phấn khởi: "Gia đình anh Đào Văn Bình, Cao Văn Bình… là hai trong số hàng trăm hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH”.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.