Thoát khỏi cảnh vay “nóng” bên ngoài
Gia đình của ông Nguyễn Tấn Lực ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Thới, có 3 đứa con nhưng chỉ có vỏn vẹn cái nền nhà và 800m2 đất vườn nên dù vất vả quanh năm nhưng gia đình ông không thoát khỏi cảnh nghèo. “Năm 2013, gặp lại người đồng đội cũ là anh Nguyên, biết được hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nhưng vợ tôi thì có biết cái nghề đan giỏ bội nên anh ấy gợi ý thành lập tổ hợp tác đan giỏ bội” – ông Lực cho biết.
Nhờ tham gia tổ hợp tác đan giỏ bội Tân Long A, nhiều hội viên đã thoát nghèo. CHÚC LY
Trước kia chưa tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), gia đình ông Lực và nhiều hộ dân trong ấp phải vay nóng bên ngoài với lãi suất “cắt cổ” để đầu tư sản xuất. Ông Lực tâm sự: “Vay bên ngoài lãi cao quá nên sau mỗi vụ, tiền bán hàng thu được chỉ đủ trả vốn lẫn lãi. May mắn là năm 2014, gia đình tôi đã được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền với lãi suất ưu đãi 0,6%/tháng”.
Bà Phạm Thị An - thành viên tổ hợp tác cho biết: Hội Cựu chiến binh hỗ trợ cho một chiếc máy chẻ tre và một chiếc máy chuốt nang tre nên công việc sản xuất rất thuận lợi. Tổ hợp tác đan giỏ bội ấp Tân Long A cũng chính thức ra đời, với 35 thành viên. Tôi là người đứng lớp dạy cho các thành viên. Từ khi có tổ hợp tác, nhiều chị em có việc làm nên rất phấn khởi.
Chị Phạm Thị Loan - thành viên tổ hợp tác, bộc bạch: “Nhờ các đoàn thể và Ngân hàng CSXH giúp đỡ cho vay vốn, thiết bị sản xuất mà gia đình tôi và các thành viên khó khăn khác có điều kiện để tập trung sản xuất, không lo lắng việc lãi quá cao như vay bên ngoài”.
Cùng nhau xóa nghèo, làm giàu
Với vai trò tổ trưởng, ông Lực có trách nhiệm thu gom sản phẩm của các tổ viên để bán cho các làng hoa. Còn bà An thì hướng dẫn, chỉ dạy cho tổ viên kỹ thuật đan giỏ. Mỗi năm tổ hợp tác có thể bán ra thị trường khoảng 40.000 chiếc giỏ.
Quan điểm
Trước đây vay tiền bên ngoài lãi mẹ đẻ lãi con, làm bao nhiêu trả nợ không đủ nên nghèo cứ hoàn nghèo. Nhờ các đoàn thể và Ngân hàng CSXH giúp đỡ cho vay mà gia đình tôi có tiền để tập trung sản xuất, không lo lãi quá cao như vay bên ngoài.
“Nhu cầu giỏ bội ở các làng hoa, hợp tác xã trồng hoa là rất lớn. Chỉ tính riêng hợp tác xã hoa kiểng Tân Long A đã có nhu cầu mỗi năm lên đến 300.000 giỏ, tổ hợp tác đan giỏ bội chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Chính vì vậy, tiềm năng thị trường là rất lớn, vấn đề duy nhất là cần nguồn vốn để các tổ viên mua nguyên liệu đan. Hiện trong tổ cũng đã có nhiều người có vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đây là nguồn lực tốt để các thành viên trong tổ có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng quy mô”– ông Nguyên phấn khởi nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh Vân – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền chia sẻ: Sau khi người dân được duyệt cho vay vốn từ ngân hàng, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, hội đoàn thể, kết hợp với bên khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cho bà con cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con sản xuất, sử dụng vốn vay hiệu quả. Nhờ đó mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có hộ trở nên giàu có và tiếp tục tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trong vùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.