Hết thời nuôi heo nhỏ lẻ

Thứ năm, ngày 14/07/2011 13:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh khó kiểm soát nên hàng triệu hộ nuôi heo đã bỏ nghề (xem NTNN số 166/2011). Để vực lại nghề nuôi heo, cần sự hỗ trợ, giúp sức của nhiều bộ, ngành...
Bình luận 0

Cụt vốn

Ở Đồng Nai, một trong những “thủ phủ” của nghề nuôi heo tại miền Nam với tổng đàn heo hơn 1 triệu con, mấy năm gần đây, nghề nuôi heo đang dần rơi vào tay các công ty nước ngoài. Ông Trần Văn Quang - Chi cục phó Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, năm trước tổng đàn heo trong cả tỉnh có trên 1,2 triệu con thì năm nay đã giảm mất 100.000 con. Số lượng bị giảm này tập trung chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề.

img
Trang trại nuôi heo của anh Võ Hữu Chín ở Tây Ninh trước có hơn 500 con, giờ chỉ còn lèo tèo vài con.

Tương tự, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì so với cùng kỳ, đàn heo ở Sóc Trăng đã giảm gần 8.500 con, Vĩnh Long giảm hơn 60.000 con. Còn tại Đồng Tháp, theo Chi cục Thú y Đồng Tháp, đến tháng 4.2011, đàn heo của tỉnh chỉ còn khoảng 150.000 con, giảm gần một nửa so với thời gian trước. Phần lớn là giảm từ nguồn chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trong khi đó, giá heo hơi từ đầu năm đến nay lại liên tục tăng. Hiện giá heo hơi ở các tỉnh miền Nam đã lên đến 64.000 đồng/kg, còn ở miền Bắc dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, tăng 70 – 100% so với năm ngoái. Với mức giá này, người nuôi đã có lãi nhưng nông dân lại không còn vốn để tái đàn hoặc không dám tái đàn.

“Hầu hết các trại nuôi heo, từ bạn hàng lâu năm đến những hộ nuôi nhỏ lẻ mà chúng tôi đi thu mua đều cho biết họ sẽ không tái đàn nữa vì đã bị cụt vốn do những trận dịch bệnh về heo trong vài năm qua. Hiện Vissan phải thu mua cả heo nhỏ, heo chưa tới lứa xuất chuồng” – ông Nguyễn Văn Thản - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vissan cho biết.

Anh Võ Hữu Chín ở thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết trận dịch heo tai xanh 2 năm vừa rồi đã “cướp trắng” của anh hơn 300 con heo, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng khiến cả gia đình lâm vào cảnh nợ nần. “Giá heo hiện nay đang cao, lời thì có lời thật nhưng chúng tôi sợ dịch bệnh lắm rồi. Vợ chồng đã bàn nhau hết đợt này sẽ dẹp chuồng nghỉ. Nuôi heo thời này bấp bênh lắm” – anh Chín tâm sự.

Chi phí đầu vào tăng cao

Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Quả thật thời gian qua có khá nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề. Định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong 5 - 10 năm tới sẽ đẩy mạnh theo hướng quy mô công nghiệp, hình thành các trang trại công nghiệp lớn, áp dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất hiệu quả chăn nuôi, khả năng cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Hiện, sản phẩm thịt lợn khoảng 3 triệu tấn, chiếm gần 80% trong tổng lượng thịt cả nước. Theo định hướng sẽ giảm dần, còn khoảng 60% trong năm 2020 và tăng tỷ lệ thịt gà, gia cầm từ 12% hiện nay lên 30%, 10% còn lại là thịt bò, trâu.

Một trong những nguyên nhân khác khiến người nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề, theo anh Quang, là do giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác tăng cao.

Giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng 7 lần, cộng với 14 lần tăng trong năm 2010 đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng gần 100% so với đầu năm 2010. Thêm vào đó, mọi chi phí khác từ điện, nước đến con giống, thuốc thú y cũng tăng mạnh từ 15 - 20%.

Ông Nguyễn Trí Công - chủ trang trại nuôi heo ở Đồng Nai sau khi cộng tất cả các chi phí lại cho biết, giá thành 1kg heo hơi hiện nay phải trên 40.000 đồng. “Nếu tính cả dịch bệnh, bình quân làm mất khoảng 30% đàn heo thì giá thành phải lên tới 48.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi mọi năm có 30.000 đồng” – ông Công tính.

Do “cụt” vốn nên để có tiền tái đàn, người dân phải đi vay vốn ngân hàng nhưng ngân hàng thời gian qua lại siết chặt tín dụng, không cho vay hoặc nếu có cho thì lãi suất lại cao ngất ngưởng từ 22 – 25%.

“Giá thành đã gần 50.000 đồng/kg, bán được 60.000 – 62.000 đồng/kg, lời chưa tới 25% tiền lãi suất trả ngân hàng thì còn nuôi làm chi nữa” – bà Vũ Thị Chung, ở Nhà Bè, TP.HCM giải thích nguyên nhân nhà bà bỏ nuôi heo.

Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề mà cả những trại chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp cũng tính chuyện giải thể. Ông Chung Kim - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kim Long ở Bình Dương, cho biết: “ Trại heo của tôi trước có hơn 10.000 con nhưng từ đây đến tháng sau tôi sẽ cắt còn khoảng 2.000 con, sau đó là bán hết vào cuối năm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem