H&M bị kêu gọi tẩy chay vì bản đồ đường lưỡi bò: Uniqlo, Zara đang làm ăn ra sao?

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 06/04/2021 13:03 PM (GMT+7)
Chỉ với 2 cửa hàng, doanh thu Zara tại Việt Nam có năm lên đến gần 1.700 tỷ đồng. Uniqlo chưa công bố doanh thu, nhưng liên tiếp mở thêm cửa hàng, sức hút các nhãn nhiệu này với người Việt vẫn chưa hạ nhiệt.
Bình luận 0

Cộng đồng mạng Việt Nam vẫn đang kêu gọi tẩy chay H&M trước thông tin hãng này thay đổi bản đồ online, có sự xuất hiện của bản đồ đường lưỡi bò phi pháp từ Trung Quốc.

Làn sóng "phẫn nộ" H&M chưa dừng lại. Người tiêu dùng lại tiếp tục phát hiện website phiên bản tiếng Trung của Zara và Uniqlo, cũng sử dụng bản đồ online có đường lưỡi bò. Website của các thương hiệu này đều sử dụng bản đồ Baidu Maps cho thị trường Trung Quốc. Baidu Maps là một sản phẩm do doanh nghiệp Trung Quốc phát triển.

Đây là ba thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu "làm mưa làm gió" tại thị trường Việt Nam vài năm qua, với doanh thu lên đến nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Zara làm ăn ra sao ở Việt Nam?

Trong ba thương hiệu Zara, H&M và Uniqlo, Zara là thương hiệu thời trang quốc tế nhanh chân vào thị trường Việt Nam sớm nhất. 

Tháng 9/2016, Zara có cửa hàng đầu tiên trong trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM). Đây được mệnh danh là "thiên đường mua sắm" tại TP.HCM. Cộng với sức hút của thương hiệu này, nên trong những ngày đầu tiên khai trương, Zara đã quá tải. Bên trong cửa hàng, người mua sắm, đặc biệt là giới trẻ chen chúc nhau và sẵn sàng bỏ vài giờ đồng hồ để chờ đến lượt tính tiền.

H&M thu nghìn tỷ tại Việt Nam, Zara, Uniqlo đang làm ăn thế nào? - Ảnh 1.

Chỉ với 2 cửa hàng, doanh thu Zara tại Việt Nam có năm lên đến gần 1.700 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo số liệu của VIRAC, kết thúc năm 2016; sau khai trương chưa đến 4 tháng kinh doanh và chỉ với 1 cửa hàng, Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng, lãi trước thuế 38 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa của Indonesia. Tháng 11/2017, Zara chính thức Bắc tiến với cửa hàng thứ hai nằm trong trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cũng trong năm này, một loạt thương hiệu khác do Mitra Adiperkasa quản lý như Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius cũng được mang vào Việt Nam.

Năm 2017, doanh thu toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng, đóng góp chủ lực vào con số này vẫn là doanh thu đến từ 2 cửa hàng Zara. 

Năm 2018, doanh thu từ thị trường Việt Nam mang về cho Zara gần 1.700 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 98 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu. Nếu tính trung bình mỗi ngày, 2 cửa hàng Zara Việt Nam bán được hơn 4,6 tỷ đồng.

Nhìn vào chặng đường của Zara khi vào Việt Nam sẽ thấy thương hiệu thời trang Tây Ban Nha không chọn con đường mở rộng chuỗi ồ ạt. Bằng chứng là sau hơn 4 năm kinh doanh, Zara vẫn trung thành với 2 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, doanh thu mang lại từ 2 cửa hàng này lại rất cao, áp đảo so với H&M.

H&M có cửa hàng đầu tiên nằm cạnh Zara vào tháng 9/2017. Mỗi năm, thương hiệu này đều đặn mở vài cửa hàng. Tính đến nay đã có tổng cộng 12 cửa hàng H&M tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Năm 2017, doanh thu H&M Việt Nam đạt 227 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu hơn 760 tỷ đồng và 2019 tăng vọt lên 1.116 tỷ đồng. Với số lượng cửa hàng gấp 6 lần Zara, nhưng doanh thu H&M vẫn kém hơn so với "ông lớn" thời trang Tây Ban Nha.

Sức hút của Uniqlo chưa hạ nhiệt

Zara, H&M được người Việt đón nhận tích cực thì Uniqlo - "ông lớn" thời trang Nhật Bản cũng nhiều lần úp mở về việc tấn công thị trường Việt Nam. 

H&M thu nghìn tỷ tại Việt Nam, Zara, Uniqlo đang làm ăn thế nào? - Ảnh 3.

Người Việt rồng rắn trước cửa hàng Uniqlo đầu tiên khai trương tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Phúc.

Tháng 12/2019, Uniqlo chính thức mở cửa hàng đầu tiên bên trong trung tâm mua sắm Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Điểm đặc biệt của cửa hàng này là nằm đối diện Zara lẫn H&M, và càng trội hơn khi đây là cửa cửa hàng kiểu mẫu lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Uniqlo với 3 tầng, tổng diện tích hơn 3.000 m2.

Cơn sốt Uniqlo thậm chí còn mạnh mẽ hơn so với lúc Zara, H&M có cửa hàng đầu tiên tại Vincom Đồng Khởi. Trong ngày đầu tiên, hàng nghìn khách hàng "đội nắng" xếp hàng để vào trải nghiệm mua sắm. Dòng người xếp hàng dài bên ngoài để chờ vào cửa hàng Uniqlo kéo dài cả tuần lễ đầu khai trương. 

Chỉ 3 tháng sau, Uniqlo chính thức tiến quân ra Bắc với cửa hàng thứ hai nằm tại trung tâm thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch. Đây cũng là năm hãng mở rộng nhiều nhất, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. 

Tính đến cuối năm 2020, Uniqlo có tổng cộng 6 cửa hàng: 3 cửa hàng tại TP.HCM và 3 cửa hàng tại Hà Nội. Ngay đầu năm nay, Uniqlo cũng đã nhanh chóng mở thêm 1 cửa hàng mới tại TP.HCM, nâng tổng số cửa hàng lên con số 7 sau hơn một năm kinh doanh tại Việt Nam.

Dù Uniqlo chưa công bố kết quả kinh doanh lẫn doanh số tại Việt Nam nhưng thời gian qua, hãng vẫn liên tục mở thêm nhiều cửa hàng mới và đặc biệt, sự đón nhận của người Việt dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đơn cử, các cửa hàng Uniqlo tại TP.HCM đều có khách mỗi ngày và càng nhộn nhịp hơn vào thời điểm cuối tuần, sự kiện mua sắm lớn trong năm.

Tại sự kiện khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - ông Tadashi Yanai, Chủ tịch tập đoàn Fast Retail - đơn vị sở hữu Uniqlo, khẳng định Đông Nam Á đang là một thị trường lớn của Uniqlo và Việt Nam được xem là có tiềm năng lớn nhất. 

Ông cũng tiết lộ tập đoàn có kế hoạch mở 100 cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam trong 10 năm tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem