Quy trình nghiêm ngặt
Thiếu tá Phạm Duy Hưng (42 tuổi) - Chính trị viên Tiểu đoàn kỹ thuật, Trung đoàn 923 là đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc những “hổ mang chúa” cho biết: “Để phục vụ cho những máy bay hiện đại này, đơn vị có một lực lượng kỹ thuật viên hùng hậu, được đào tạo tại Học viện Phòng không - Không quân. Có nhiều người được tu nghiệp ở Nga và Ấn Độ về các chuyên ngành đặc thù như radar, động cơ, phản lực, vũ khí, dẫn đường”.
Thiếu tá Phí Văn Mạnh - Phi đội trưởng Phi đội 1 - trong buồng lái SU-30MK2 chuẩn bị cất cánh. Ảnh: Gia Tưởng
Trước mỗi ban bay, đơn vị kỹ thuật phải kiểm tra tổng thể máy bay. Các thông số được ghi lại về tình trạng, sức khỏe máy bay, để đảm bảo máy bay trong trạng thái hoạt động tốt nhất. Khi các khâu chuẩn bị an toàn cho máy bay đã xong, đội ngũ kỹ thuật tiến hành bàn giao máy bay cho phi công, để họ thực hiện nhiệm vụ, chúc các phi công an toàn tuyệt đối.
Đi kèm các yếu tố kỹ thuật, phi công cũng phải đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất. Trước khi lên máy bay, phi công đều được đội ngũ quân y kiểm tra sức khỏe kỹ, đạt tiêu chuẩn mới nhận nhiệm vụ.
Sau mỗi chuyến bay, đơn vị kỹ thuật nhận lại khí tài, nghe phi công đóng góp ý kiến về tình trạng máy bay, các trang thiết bị vận hành trong tình trạng thế nào. Rồi phi công quay lại quy trình kiểm tra, chuẩn bị cho những chuyến bay tiếp theo.
Thiếu tá Hưng chia sẻ: Có những máy bay một ngày thực hiện tới 3 đợt bay, nên đội ngũ kỹ thuật luôn túc trực ngay tại hangar. Họ là những người có mặt sớm nhất trước mỗi chuyến bay, và cũng ra về muộn nhất trên sân bay để đảm bảo chăm sóc cho những cánh bay được an toàn tuyệt đối.
Để có được một ban bay, đưa 2 máy bay và 4 phi công lên trời, có tới cả nghìn người phục vụ, từ hậu cần, mặt đất, radar dẫn đường đến tác chiến, tuyên huấn… Tất cả đều vận hành một cách nhịp nhàng, chính xác, với mục tiêu an toàn tuyệt đối và hiệu quả cao nhất.
Bay với trăng, sao...
"Với những gì chúng tôi được rèn luyện, tuần tra ngày đêm, những người lính không quân chúng tôi, sẵn sàng quên thân để bảo vệ vững chắc và toàn vẹn vùng trời của Tổ quốc”.
Trung tá Tạ Hữu Cường
|
Theo nguyên tắc, ở tất các sân bay quân sự, lúc nào cũng có một phi đội máy bay trực, sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Vào những ngày trọng đại của đất nước, các anh phải trực tăng cường.
Khi chúng tôi có mặt ở sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa), đúng vào kíp trực của trung tá Tạ Hữu Cường (sinh năm 1977, quê Ninh Bình). Anh là phi đội trưởng Phi đội 2, là phi công cấp 1.
Phi công được phong cấp 1 như anh Cường là đã bay đủ 4 loại khí tượng, đó là ngày, đêm, giản đơn và phức tạp. Nếu phi công chưa bay được 4 loại này thì chưa được phong cấp. Anh Cường đã sử dụng thành thục 5 loại máy bay chiến đấu, trong đó có MIG 21 huyền thoại. Anh cho biết: “Nhiệm vụ của phi đội trực chiến, là tuần tra tất cả các đường bay ngoài miền Bắc, và hộ tống các chuyến bay quan trọng nếu có yêu cầu”.
Nhớ lại nhiệm vụ tuần tra của mình, anh Cường kể: “Năm 2013, khi đó tôi còn trực chiến ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), tôi đã một lần cất cánh khẩn cấp theo lệnh của trên khi nhận được thông tin tại vùng trời Tây Bắc của nước ta có máy bay lạ xâm phạm. Ngay lập tức, tôi cùng chiếc MIG 21 của mình lao đến khu vực có tín hiệu lạ”. Nhưng khi tới tọa độ “báo động” thì tín hiệu biến mất. “Từ lúc báo động, nhận lệnh, đến lúc cất cánh chỉ mất vài phút. Rất gấp nhưng tôi và đồng đội đã quen, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ” - trung tá Cường cho biết.
Đối với phi công, mỗi lần xuất kích là một lần nhớ đời, bay đêm bao giờ cũng khó hơn bay ban ngày. Bay ngày, khả năng quan sát của phi công tốt hơn, vì có những điểm mây để so sánh và nhìn xuống được để phân biệt đâu là khu dân cư, đâu là cánh đồng hay rừng núi. Còn bay ban đêm thì khó hơn rất nhiều, phi công phải dựa vào hoàn toàn thiết bị điện tử trong buồng lái, tín hiệu dẫn đường mặt đất.
“Trần bay của Su-30MK2 là 17.500m, có cảm giác như chỉ cần với tay một cái là phi công có thể nhặt được sao, còn hôm nào trăng sáng thì chúng tôi được ngắm trăng to hơn các bạn” - anh Cường nói. “Chúng tôi rất tự hào, vì được đất nước giao nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, với những khí tài hiện đại trị giá tới 50 triệu USD. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả” - trung tá Cường tự hào.
Chia sẻ thêm với NTNN, anh Cường cho hay, đã có lần máy bay anh lái gặp sự cố, cụ thể là hỏng hệ thống dẫn đường. Anh đã rất bình tĩnh, với kinh nghiệm của mình và được sự giúp đỡ của đồng đội hướng dẫn dưới mặt đất, anh đã đưa máy bay quay về hạ cánh an toàn. Với phi công, làm chủ khí tài cũng có nghĩa là giữ gìn tốt tài sản đắt giá, góp phần bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.