Hỗ trợ lợn bị dịch 80% giá thị trường: Nên chi tiền tươi, thóc thật

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 07/03/2019 09:03 AM (GMT+7)
Đặt trường hợp giả định tỉnh Đồng Nai bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh này cho rằng mức hỗ trợ 80% mà Chính phủ đưa ra là có thể chấp nhận được.
Bình luận 0

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa tổ chức cuộc gặp hội viên (doanh nghiệp và người chăn nuôi) nhằm thảo luận các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

img

Cuộc thảo luận nóng về chủ đề nóng ở Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cân đo lợn giữa lúc dịch rối ren không khả thi

Một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận nhằm tổng hợp ý kiến của người chăn nuôi để kiến nghị lên Chính phủ xem xét là mức giá hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch bệnh này.

Ông Nguyễn Trí Công đưa ra gợi ý thảo luận nếu giá lợn trên thị trường sụt giảm thì mức hỗ trợ 80% có còn phù hợp. Ông Công cũng đưa ra phương án 2 – 4 – 6 (lợn con 2 triệu – lợn thịt 4 triệu – lợn nái 6 triệu đồng) để mọi người xem xét.

Có ý kiến cho rằng phương án hỗ trợ 80% mà Chính phủ đưa ra là chưa hợp lý, vì còn cách phân loại lợn chung chung. Nhưng cũng có ý kiến tỏ ra đồng tình vì nên hiểu vấn đề là chính quyền “hỗ trợ” chứ không phải là “bồi thường”.

img

Mức hỗ trợ khi tiêu hủy lợn nhiễm DTLCP vẫn không ngừng nhận được sự quan tâm từ người chăn nuôi. Ảnh: Trần Quang

Ông Chung Kim - thành viên Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, đã có nhiều người đặt vấn đề về mức giá hỗ trợ này. Nhưng cách tính theo trọng lượng từng con để quy ra mức hỗ trợ liệu có hợp lý giữa lúc dịch bệnh rối ren. Thứ nữa là ngân sách hỗ trợ sẽ trích từ nguồn ngân sách của địa phương.

Việc cân đong trọng lượng từng con lúc có dịch e là khó khả thi. Áp lực ngân sách tài chính của địa phương sẽ rất lớn, nhất là những tỉnh có tổng đàn lợn lớn như Đồng Nai.

“Chúng ta không nên nhầm lẫn khái niệm “hỗ trợ” và “bồi thường” để việc đưa ra kiến nghị cho Chính phủ trở nên hợp lý. Việc giải quyết thiệt hại cho người chăn nuôi không tốn kém thêm nhiều thì giờ bàn luận”, ông Kim gợi ý.

img

Việc cân đong trọng lượng từng con lợn lúc có dịch e là khó khả thi! Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng theo ông Kim, vấn đề cần làm rõ là đối tượng thụ hưởng, vì hiện nay chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm số đông. Giá thành sản xuất hiện nay rất khác nhau giữa chăn nuôi ở công ty, ở trang trại với nông hộ. Không ít nông dân bán tháo hoặc vứt lợn bệnh xuống suối vì không biết có thông tin hỗ trợ.

Nên hỗ trợ "tiền tươi, thóc thật" cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc kỹ thuật bán hàng công ty Genesus thì đặt vấn đề mức hỗ trợ không quan trọng bằng khi nào khi nào nhận được tiền hỗ trợ. Ông Hùng gợi ý nên hỗ trợ “tiền tươi” ngay cho nông hộ vì nếu chờ đợi lâu họ sẵn sàng bán “chạy” cho thương lái để lấy tiền ngay mà không cần tốn công khai báo dịch.

Tuy nhiên, cách hỗ trợ hiện được áp dụng ở các tỉnh phía Bắc đã nhiễm DTLCP hiện nay là: Sau khi đã khống chế được dịch bệnh, thống kê lại số lợn đã tiêu hủy rồi mới báo cáo, phân bổ ngân sách để chi trả lại cho nông dân. Phương án huy động một lượng tiền lớn từ quỹ hỗ trợ thiên tai dịch bệnh để trả ngay cho nông dân cũng e khó khả thi.

img

Có không ít ý kiến cho rằng mức hỗ trợ 80% là hợp lý. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Trí Công nhìn nhận, mức hỗ trợ 80% mà Chính phủ đưa ra đã được nhiều cơ quan chuyên môn tham vấn kỹ. Vấn đề là kinh phí hỗ trợ trích từ ngân sách địa phương.

“Cho nên, có thể hiểu phương án này đã trao quyền linh động cho các địa phương khi áp dụng. Rất khó đưa ra con số hỗ trợ cứng nhắc trong khi giá thị trường thì luôn biến động”, ông Công nói.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, mức hỗ trợ 80% là hợp lý, bởi hiện đang có sự chênh lệch rất lớn về giá giữa các vùng, miền. Do đó, không thể neo mức giá hỗ trợ cố định là 38.000 đồng/kg hơi như trước kia. "Giá cả thị trường thế nào, tùy từng địa phương căn cứ để có mức hỗ trợ cho người dân ở địa phương đó"- ông Đông trả lời về thắc mắc của Dân Việt về thế nào là "giá thị trường".

img

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, các kiến nghị cụ thể lên Chính phủ sẽ tiếp tục được Hiệp hội thảo luận với đông đảo hội viên và bà con chăn nuôi Đồng Nai để có phương án hợp lý nhất.

Trước mắt, ngoài nguyên tắc “5 không” mà Chính phủ khuyến cáo, Hiệp hội để nghị thêm nguyên tắc “1 có” là có sự hợp tác từ người chăn nuôi trong khai báo dịch để công tác phòng chống hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem