Họa sĩ Lê Thiết Cương viết tản văn: Không chỉ "nhìn" mà là "thấy"

Khánh Thư Thứ tư, ngày 18/01/2017 17:18 PM (GMT+7)
Chiều 17.1, buổi ra mắt cuốn sách mới “Lê Thiết Cương thấy” đã diễn ra trong một không gian đầy ấm cúng tại một quán café trên phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ và những người yêu quý họa sĩ Lê Thiết Cương.
Bình luận 0

“Xương sống” của cuốn tản văn “Lê Thiết Cương thấy” là việc tác giả đã chọn một bức ảnh của ai đó mà gợi cho anh nhiều suy nghĩ, dưới góc nhìn riêng của anh. Điều đáng nói nhất ở cuốn sách in riêng đầu tiên của họa sĩ Lê Thiết Cương này chính là một phông văn hóa rộng và có chiều sâu. Không chỉ nhìn, thấy, anh còn nói lên đầy thấm thía và sâu sắc những cảm nhận của mình một cách rất riêng. Đó là cái thấy của một người từng trải, lịch lãm và hiển nhiên là không còn trẻ nữa. Hơn bốn chục bài viết cùng với những tấm ảnh, những bức tranh được chọn lọc với một gu thẩm mỹ cao dường như là những cái “đinh” để treo vào đó những cảm xúc nồng nhiệt, thẳng thắn và đôi khi rất đáo để, "đanh đá".

img

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách chiều 17.1

Là bạn họa sĩ Lê Thiết Cương mấy chục năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận người bạn họa sĩ của mình lúc nào cũng là người đi tìm lại những vẻ đẹp và luôn phát hiện ra những vẻ đẹp đang trú tạm ở mọi nơi chốn đợi đến một lúc nào đó lại hiện ra và trở về với con người. 

Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Lê Thiết Cương quan sát mọi thứ kỹ lưỡng, sâu sắc và cá tính. Anh quan sát mọi thứ, còn tôi quan sát anh. Trong lời tựa sách của tôi có dùng từ “như cỗ máy thời gian” - những bài viết của Lê Thiết Cương đưa chúng ta trở về thế giới cũ. Cái gì anh Cương cũng nhìn thấy dấu vết của thời gian ở đó. Tất cả đều nhìn thấy vẻ đẹp bản chất thật của nó, nhưng bây giờ nó đang bị bao phủ, che mờ... Đến một ngày, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những bức ảnh bình dị, yên lòng đến thế kia nữa. Cảm ơn Lê Thiết Cương đã làm ra cỗ máy đưa tôi trở về những vẻ đẹp xưa yên bình và thuần khiết nhất”.

Cho rằng họa sĩ Lê Thiết Cương hoàn toàn có thể được gọi là nhà văn chứ không phải chỉ là họa sĩ với cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Anh Cương có một cái “láu” của dân phố nhưng lại có độ ngây thơ của người nghệ sĩ Hà Nội.  Và đặc biệt, anh không chỉ là một người nhẩn nha đi tìm lại những gì đã mất mà còn là người dẫn nhập văn hóa”.

img

Những bức ảnh là nguồn cảm hứng sáng tác của "Lê Thiết Cương thấy"

Không chỉ các nhà văn mà nhiều nhiếp ảnh gia cũng có những cảm nhận riêng về “Lê Thiết Cương thấy”. Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo nhận định: “Trong nhiếp ảnh, rất nhiều trường hợp nhìn mà không thấy. Bởi nhìn là dùng con mắt, là tư duy trực giác. Nhưng thấy không phải trực giác. Trong nhiếp ảnh có những bức ảnh không nhìn mà thấy. Nếu thông thường những người họa sĩ có thể áp đặt suy nghĩ của mình vào trong tranh thì Lê Thiết Cương là người phát hiện ra cái nhìn của nhiếp ảnh hơn cả những người chuyên nghiệp”. Nhiếp ảnh gia Ngọc Thái bổ sung ý kiến: “Thông thường mọi người nhìn nhưng chưa chắc đã thấy, trong khi cái thấy là cái cực kỳ quan trọng, nhất là cái thấy của anh Cương lại rất tinh tế. Những năm gần đây tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái nhìn của anh Cương”. 

Cũng chia sẻ trong buổi ra mắt sách, họa sĩ Trịnh Tú bày tỏ: “Trẻ thơ có cái thấy của trẻ thơ. Khi chúng ta lớn lên, bằng trí khôn, học hỏi,… cái thấy ấy trở nên phong phú hơn rất nhiều. Có thể nói, Lê Thiết Cương vừa có con mắt của một đứa trẻ 7 tuổi, vừa có con mắt của một hiền triết, bằng hết cả con người, tấm lòng của mình”.

“Lê Thiết Cương thấy” lấy chất liệu từ đời sống hiện thực: từ một cái cổng làng, một ngôi chùa, một món ăn đến những bức ảnh, những bức tranh, những triển lãm… nhưng câu chuyện họa sĩ muốn gợi ra, nói đến lại chạm đến một hiện thực khác rộng hơn: hiện thực của lòng người, của tâm tính con người trong sự đổi thay của đời sống. Ở đó, những được - mất, sống - còn, quá khứ - hiện tại đồng hiện. Mỗi bài viết là một câu trả lời gieo đầy những câu hỏi, còn những câu hỏi đã ngầm chứa cả câu trả lời, để cuối cùng: “Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện”.

Có lẽ, nhờ cái nhìn đầy hoài niệm, nhờ sự “vật chất hóa” những giá trị xưa cũ qua những bài viết của mình, họa sĩ Lê Thiết Cương đã một lần nữa khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình đầy đặn hơn và đáng sống hơn.

img

Dày hơn 200 trang, cuốn tản văn “Lê Thiết Cương thấy” (NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2017) tập hợp 47 bài viết về văn hóa, nghệ thuật của họa sĩ 5 năm trở lại đây kèm theo nhiều hình ảnh của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế: Dương Minh Long, Hữu Bảo, Ngọc Thái, Trần Huy Hoan, Nguyễn Quốc Dũng, Đặng Xuân Trường, Eva Lindskog, Lawrence D’Attilio, John Ramsden…và một số do tác giả chụp.

Đây là cuốn sách thứ ba của họa sĩ Lê Thiết Cương, sau hai cuốn in chung “Ba người”- in cùng Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng năm 2009, và “Nơi chốn đi và về”- in cùng Trần Tiến Dũng năm 2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem