Hạt gạo của Lê Thiết Cương

Thứ hai, ngày 30/01/2012 13:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “80 phần trăm dân số Việt Nam ít hay nhiều, trực tiếp hay không vẫn liên quan đến số phận của hạt gạo thì đủ thấy hạt gạo tuy nhỏ nhưng lại lớn đến mức nào. Cơm tẻ mẹ ruột.
Bình luận 0

Không chỉ ở Việt Nam mà phần lớn các quốc gia châu Á đều chung nhau câu chuyện về hạt gạo, văn hóa gạo, truyền thống gạo. Chỉ thông qua hạt gạo, tranh gạo, tượng gạo mà lại chạm được tới thân phận của biết bao con người, biết bao kiếp người…”.

img
 

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã nói như thế trong lần triển lãm cá nhân của anh mang tên “Hạt gạo”. Đề tài này đã được Lê Thiết Cương để dành từ rất lâu. Anh đã nhìn ra được, từ hạt gạo, ý nghĩa và hình thức tối giản của nghệ thuật. Một khuynh hướng của riêng anh được khai mở ngay từ những tác phẩm đầu tiên.

Hội họa Lê Thiết Cương đi đến cái tối giản theo hai ngả đường, ngả thứ nhất, anh cô đọng hiện thực bộn bề, ngổn ngang của đời sống thành những tín hiệu của hình và nét mang tính ước lệ, rồi đặt trên nền không gian dày dặn sâu lắng của mặt tranh, tạo nên một vũ trụ riêng của ký ức. Ngả thứ hai, anh lại đi từ những chi tiết giảm hoặc nhất để nói về sự vận động không ngừng nghỉ của cõi nhân gian.

img
 

“Hạt gạo” là những tác phẩm đi theo ngả thứ hai này. Dường như Lê Thiết Cương đã tìm thấy ở hạt gạo nhỏ nhoi một dòng chảy bất tận từ ngàn xưa cổ tích đến buồn vui phận người. Anh đã lấp đầy không gian hội họa bằng ánh sáng và bóng tối của hạt gạo, được xếp đặt lại theo trật tự âm dương để từ đó khẳng định một thái độ sống gần với lẽ vô thường của trời đất.

Ở mỗi bức tranh gạo này, anh đều gửi vào đó niềm trắc ẩn thầm kín, biết ơn sự bao dung của đất của nước, của nỗi nhọc nhằn trĩu nặng cây lúa. Hình như lòng biết ơn này đã hun đúc nên bức tượng đồng hạt gạo của anh căng tràn nhựa sống, khiến người xem có thêm nhiều rạo rực đầy nhục cảm.

img
 

Lê Thiết Cương là một họa sĩ biết lấy cái im lặng để khơi gợi nên nhiều ám ảnh thầm kín. Loạt tác phẩm “Hạt gạo” này đã nói rõ thêm điều đó. Trong cái im lặng ngàn đời của hạt gạo có biết bao câu chuyện ẩn chứa, chuyện của một đời người cũng như chuyện của cả một dân tộc. Hạt gạo, với Lê Thiết Cương là một biểu tượng, vừa là nơi trú ẩn, vừa như một ước mơ.

Có lẽ ngoài câu thơ về “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa thuở ấu thơ, bây giờ đến lượt họa sĩ tôn vinh hạt gạo bằng một chiều kích khác. Và, Lê Thiết Cương đã làm việc đó bằng cả tấm lòng của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem