Học nghề để làm nông bền vững

Thứ ba, ngày 16/08/2011 01:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Học nghề để chăn nuôi giảm được bệnh dịch, biết làm ra những sản phẩm an toàn, đó là mục đích của nhiều ND khi tham gia khoá dạy nghề do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm-T.Ư Hội NDVN phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức.
Bình luận 0

Học nghề khi đã làm nghề

Không ai trong số 360 học viên của khoá học đầu tiên vắng mặt trong ngày khai giảng. Nhiều học viên là các bác, các chị ND lớn tuổi, phấn khởi và tỏ rõ quyết tâm học thành nghề. Rủ nhau đạp xe lên huyện sớm, cả 2 ông Nguyễn Xuân Bình và Vũ Xuân Hoà đều 58 tuổi, đến từ xã Phù Linh và cùng đăng ký học lớp nghề trồng cây cảnh, chế tác non bộ.

“Tôi lớn tuổi rồi, việc nặng không làm được nhiều, không bươn chải thương trường được nữa thì học nghề trồng cây cảnh là thích hợp nhất. Nhà tôi có mặt bằng, có chút vốn, học xong nghề là bắt tay vào làm được ngay...” - ông Bình thổ lộ.

img
ND huyện Sóc Sơn đăng ký tham gia học nghề nông theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn ông Hoà lại chia sẻ: “Tôi mới tập toẹ làm cây cảnh mấy năm nay, sưu tập cũng được kha khá chủng loại cây. Nhưng khổ nỗi, cái khoản chăm bón, tạo thế, tạo dáng cho cây thì tôi mù tịt. Nếu học được nghề thì việc định giá cây cũng chính xác hơn, mua bán có lợi hơn...”.

Có 3 nghề dạy cho ND trong khoá học nghề ở Sóc Sơn lần này gồm nghề trồng cây cảnh, chế tác non bộ; trồng rau an toàn theo hướng VietGAP và chăn nuôi thú y. Trồng rau, nuôi lợn gà đâu phải là nghề mới gì đối với bà con ND, nhưng nhiều người vẫn háo hức đi học.

Chị Trần Thị Thoan ở xã Quang Tiến cho hay: “Tôi vẫn làm rau nhiều năm nay. Trồng cứ trồng, bán cứ bán chứ không biết rau đó người ta dùng có an toàn hay không. Nghe nói về trồng rau VietGAP giảm chi phí mà lại an toàn nên tôi quyết tâm theo học...”.

Làm nghề trước khi đi học nghề cũng là trường hợp của anh Hoàng Văn Hùng, xóm Xuân Lễ, xã Tân Dân. Anh Hùng nói: “Tôi nuôi lợn hàng chục năm nay, cám bã, cho ăn thế nào, tiêm thuốc ra sao đều nghe theo mấy đại lý thức ăn, thuốc thú y cả. Lần này theo học lớp chăn nuôi thú y, tôi sẽ áp dụng ngay vào thực tế của gia đình. Lý thuyết cộng với thực hành nhiều thì sẽ lên tay nghề thôi...”.

Học thật, làm đúng

Dạy nghề cho ND không hề đơn giản, học xong rồi ND có áp dụng được, sống được với nghề lại càng khó hơn. Đó là chia sẻ chân thành của TS Nguyễn Mai Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), đại diện nhóm giảng viên trong buổi khai giảng.

Đây là khoá dạy nghề cho ND đầu tiên ở huyện Sóc Sơn được tổ chức thực hiện theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Khoá học được chia làm 12 lớp với tổng cộng 360 học viên.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm của T.Ư Hội NDVN tham gia dạy nghề cho ND, TS Hương cho rằng, nếu nghiêm túc theo học thì nghề trồng cây cảnh, chế tác non bộ; trồng rau an toàn theo hướng ViệtGAP; chăn nuôi thú y sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp của ND Sóc Sơn bền vững, cải thiện được thu nhập.

Ông Quách Tiến Du, một học viên cao tuổi đến từ xã Nam Sơn chia sẻ: “Vì đã qua sự kiểm tra từ chi hội lên đến Hội ND huyện nên việc đăng ký học nghề là hết sức nghiêm túc. ND rất thực tế, dù nhà nước có đài thọ cho chi phí, nhưng nếu không vì lợi ích thiết thân thì chẳng có ai bỏ ra 3 tháng để học cái nghề mà mình sẽ không làm. Lớp học tổ chức ngay tại thôn, xã nên cũng thuận tiện cho bà con tham gia...”.

Ông Trần Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng tỏ ra rất tin tưởng vào cách thức tổ chức dạy nghề cho ND theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ: “Sóc Sơn vẫn là huyện nghèo của TP. Hà Nội, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao, trong đó đa phần là chưa qua đào tạo. Có nhiều ND được học nghề thì phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện mới bền vững, mới tạo cơ sở cho việc giảm tỷ lệ hộ nghèo...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem