Học nghề để làm “bác sĩ” của lợn
Chăn nuôi lợn đã nhiều năm, có không ít kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, nhưng khi biết có lớp dạy nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Nam Định mở lớp, ông Phạm Văn Tu (xóm 12, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh) vẫn đăng ký đi học.
Nắm chắc kiến thức, mỗi năm ông Tu thu lãi 150 triệu đồng từ đàn lợn.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tu khi ông đang tất bật tắm rửa cho đàn lợn. Vừa làm ông vừa vui vẻ trò chuyện: “Tính đến nay gia đình tôi chăn nuôi lợn đã được 14 năm. Với 12 con lợn nái, tôi chủ động được con giống tốt khỏe mạnh. Đồng thời gia đình tôi nấu rượu tận dụng được bã rượu cho lợn ăn. Hiện tại, với quy mô 100 con/lứa, 3 lứa/năm, mỗi năm tôi có khoản lãi khoảng 150 triệu đồng. Để có thành công như hôm nay tôi đã trải qua không ít “thương đau”, nhiều lần tưởng sạt nghiệp do thiếu kiến thức”.
Năm 2010, dịch lợn tai xanh bùng phát ,gia đình ông bị thiệt hại 7 con lợn nái, hàng trăm con lợn thịt tầm 30 – 40kg cũng lăn ra chết, tổng thiệt hại lên đến 140 triệu đồng. “Trước đây do tự mò mẫm, nên nhiều khi phải trả “học phí” quá đắt. Tiền thuốc chữa bệnh nhiều quá tiền bán lợn nhưng tôi vẫn kiên trì chữa để lần sau có bị còn biết cách khắc phục. Tháng 7.2014, được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y có thầy cầm tay chỉ việc, tôi đã áp dụng thành thạo và chuẩn chỉ các khâu từ chăm sóc, tiêm phòng và điều trị bệnh cho đàn lợn”- ông Tu phấn khởi chia sẻ.
Kết thúc khóa học, nhờ sự ham học hỏi và được đào tạo bài bản, giờ đây ông Tu không chỉ trở thành “bác sĩ thú y” mà còn là địa chỉ tin cậy để các ND khác trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn. Từ khi làm “bác sĩ” cho lợn, ông Tu tự tin hơn nhiều so với hồi làm ông chủ đơn thuần.
Cần vốn và lòng quyết tâm
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Bạch Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Nam Định cho biết: Trong năm 2014 trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 390 lượt học viên. Các nghề nông nghiệp đã được đào tạo bài bản, khoa học và có hệ thống, các nghề phi nông nghiệp liên kết chặt chẽ với các tổ chức, công ty được ND quan tâm. Lao động nông thôn ở các vùng xa trung tâm có điều kiện được tiếp thu các kiến thức khoa học và công nghệ mới. Kết quả 100% số học viên tuyển sinh do trung tâm đào tạo tốt nghiệp, tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề hoặc mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập đạt 95%, với mức thu nhập từ 1,8 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh số nông dân học nghề và đã phát huy được kiến thức như ông, vẫn còn không ít học viên chưa tìm được việc làm, chưa phát huy hết được nghề đã học như trường hợp anh Đỗ Văn Tiến (xóm 3, xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường). Tháng 6.2014, anh Tiến tham gia lớp học nuôi cá do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Nam Định mở. “Sau 3 tháng học nghề tôi đã mở mang được khá nhiều kiến thức. Tôi định bụng sau khóa học sẽ cải tạo lại ao nuôi thả cá để áp dụng kiến thức đã học nhưng ngặt nỗi không có vốn đầu tư nên chưa thể làm gì được. Vì vậy, dù đã học nghề xong, vẫn chưa áp dụng được kiến thức đã học” - anh Tiến thổ lộ.
“Qua chương trình tổ chức các hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề của người lao động rất lớn, đặc biệt đối với các ngành nông nghiệp, tuy nhiên vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi cho việc bao tiêu sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp gắn với quá trình đào tạo, tư vấn nghề” - bà Trần Thị Bạch Yến nêu kiến nghị.
Hơn 1 triệu hội viên, nông dân được tư vấn, học nghề
Trong 5 năm (2009-2014) các cấp Hội NDVN đã trực tiếp và phối hợp dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho hơn 1 triệu hội viên, ND theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hội NDVN, tỷ lệ ND sau khi học nghề có việc làm mới, hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với các nghề nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản đạt gần 95%; các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ đạt hơn 80%.
Nguyễn Công
Bà Phạm Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nD tỉnh Lai Châu: Cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Các ngành nghề đào tạo do Hội ND tỉnh Lai Châu tổ chức chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông lâm nghiệp là chính do đặc thù của tỉnh miền núi. Trong tổng số 88 lớp dạy nghề thực hiện theo Đề án 1956 thì lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm tới 88%, còn lại là nhóm nghề phi nông nghiệp và các nghề khác. Do vậy, việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, hiệu quả mang lại trong dạy nghề chưa cao. Để góp phần nâng cao hiệu quả dạy nghề, đề nghị Chính phủ, địa phương có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông…
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang: Tăng cường tư vấn, hỗ trợ tạo và tìm việc làm
Trong dạy nghề cho lao động nông thôn quan trọng là tư vấn, hỗ trợ để ND tự tạo và tìm được việc làm. Thời gian đầu, công tác dạy nghề ở An Giang chưa được tốt bởi người học ra thì nhiều mà số có việc làm, có thu nhập thì chẳng bao nhiêu. Để nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2011 tới nay, Hội ND tỉnh An Giang tổ chức điều tra và phân loại nhu cầu học nghề của ND rồi mới tiến tới mở lớp. Nghề được đào tạo phải đúng nhu cầu của người học, trúng nhu cầu lao động, yêu cầu về sản xuất nông sản ở địa phương. Giải pháp mà các cấp Hội cần tích cực thực hiện là tăng cường các hoạt động tư vấn tìm việc làm, kết nối người được tạo tạo nghề với cơ sở sản xuất, dịch vụ. Với các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, nông thôn, cần hỗ trợ người học nghề về vốn, tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội ND tỉnh Hải Dương: Kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn, các cấp, ngành, địa phương cần có cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với những nghề phi nông nghiệp. Sức cạnh tranh của các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp so với các mặt hàng sản xuất công nghiệp đại trà còn yếu do giá thành cao, thu nhập ở các nghề như thêu ren, móc xuất khẩu thấp- ảnh hưởng đến duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Nông dân được đào tạo kỹ năng nghề và kiến thức nhưng để áp dụng tốt vào sản xuất thì cần được vay vốn, tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Phương Đông (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.