Vốn là phụ nữ ít học, lại sinh ra ở bản làng nghèo khó nên Lộc Thị My (SN 1977, ngụ Đắk Lắk) thiếu hiếu biết pháp luật. Trong một lần được người bạn từng quen biết ở Nghệ An gọi điện thoại đề nghị My tìm những cô muốn đi “làm gái” để có nhiều tiền, nếu gọi được cô nào My sẽ có tiền “bồi dưỡng”. Thấy việc này kiếm được tiền, nên My rủ rê các cô gái trong xã. Có mấy cô đồng ý đi, nhưng do thu nhập không như lời hứa, họ đã tố cáo My.
Buôn người vì “ngây thơ”
Vào trại giam Đắk Trung (đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk), được sự cho phép của lãnh đạo trại giam, chúng tôi có dịp trò chuyện với một số phạm nhân nữ tại đây. Người đầu tiên chúng tôi gặp là phạm nhân Lộc Thị My. My có khuôn mặt hiền, sẵn sàng trả lời những câu hỏi của chúng tôi và chia sẻ thật lòng gia cảnh nhà mình.
Nữ phạm nhân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó, đông anh chị em. Là chị cả trong gia đình, My phải sớm bỏ học, nhường cơ hội đến trường cho các em. Cô sơn nữ sớm vật lộn với đời sống “cơm áo, gạo tiền”.
Như để bù cho những thiệt thòi bản thân gặp phải, My được trời phú cho nhan sắc hơn người khiến nhiều chàng trai say như điếu đổ? Thế rồi, My cũng tìm được đức lang quân vừa ý. Cô hạnh phúc bước về nhà chồng trong đám cưới rộn ràng ấm cúng.
Cuộc sống thanh bình trôi qua, khi My sinh hạ hai người con bụ bẫm. Vợ chồng My luôn khéo léo xoay xở để có cuộc sống đầy đủ. Sự thành công trong công việc khiến My có thêm nhiều mối quan hệ. Và cũng chính từ đây người phụ nữ ít học đã sa ngã bởi mù quáng nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của đám bạn hành nghề “buôn người”.
My có một người bạn tên Quảng Thị Hoa quê Nghệ An, thi thoảng vào Đắk Lắk chơi. Hai người thường trò chuyện, tâm sự với nhau. Khi mối quan hệ trở nên thân thiết, Hoa nói với My, nếu có cô gái nào muốn có tiền, thì dẫn đi “làm gái”, nếu giới thiệu được ai, Hoa sẽ trích tiền trả cho My một khoản gọi là “thu nhập giới thiệu”.
Hoa còn nói rõ số tiền My được nhận sẽ tùy vào người My giới thiệu đẹp hay xấu, nếu là cô gái bình thường My có 3 triệu đồng, đẹp hơn là 5 triệu đồng. Nghe Hoa “quảng cáo”, sau khi đắn đo suy nghĩ My đã mù quáng dấn thân vào đường dây buôn bán người.
Nữ phạm nhân ngậm ngùi tâm sự: “Tôi thấy nhiều cô gái ở quê dù xinh đẹp nhưng phải làm việc vất vả, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Tôi chỉ nghĩ kêu họ đi là giúp họ tìm thấy cơ hội đổi đời. Bản thân tôi cũng có thêm thu nhập. Mọi giao dịch thỏa thuận đều do bà Hoa làm việc với gia đình các cô gái, tôi chỉ đóng vai trò trung gian. Lúc đó, tôi không hề hay biết việc vận động con gái đi làm mại dâm là phạm pháp”.
My phân trần: “Tôi giới thiệu được mấy người dễ dàng, tôi không bắt ép gì họ cả. Tôi hỏi họ có đi làm gái không, có thu nhập cao, mấy người này đồng ý đi liền, vì ở nhà họ cũng không có công ăn việc làm, trong bản làng không có ai hỏi mà lấy, chứ tôi có ép uổng ai đâu”.
Từ suy nghĩ đơn giản đó, My bắt đầu lân la các nhà hàng xóm tìm người. Sau đó My chỉ dẫn cho họ bắt xe ra Nghệ An, gặp Hoa để Hoa đưa vào các quán nhậu làm gái mại dâm. Nhưng cuộc sống của các cô gái “buôn phấn bán hoa” không hề dễ dàng. Khi “đi làm”, họ không có tiền ăn uống hàng ngày, bị chủ chứa chửi bới, sỉ vả. Họ thấy lời hứa về khoản thu nhập “khủng” là hoàn toàn bịa đặt, nhiều nạn nhân gọi điện về cầu cứu gia đình giải thoát, vì biết đã sập bẫy đường dây buôn người.
Lộc Thị My đang chia sẻ với PV.
Hối hận muộn màng
Một nạn nhân viết đơn trình báo lên công an sự việc bị My dụ dỗ “làm gái”. Ngày cơ quan CSĐT đến nhà đọc lệnh bắt giữ, My quỳ sụp xuống van xin thảm thiết. My khẳng định mình bị oan. My chỉ muốn giúp các chị em thoát nghèo không hề có ý định hãm hại họ.
Nhưng trước những lý lẽ thuyết phục từ cơ quan công an, My cúi mặt tra tay vào còng. Bị khởi tố, My mới vỡ lẽ bà “bạn thân” Quảng Thị Hoa là kẻ môi giới, buôn bán người chuyên nghiệp. My hối hận vì đã bị lợi dụng mà không hề hay biết. Nhưng sự ăn năn hối hận đã quá muộn màng.
Cuối năm 2012, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử vụ án về đường dây buôn người lớn nhất trong năm trên địa bàn. Bị cáo Lộc Thị My bị kết án 10 năm tù giam. Những ngày đầu My vào trại, người chồng có lên thăm nuôi. Nhưng rồi những chuyến thăm thưa dần và mất hút. Gần một năm, My mòn mỏi sống trông sự ngóng chờ tin tức từ người nhà. Thế rồi, người chị gái lên thăm em mang theo rất nhiều tin buồn.
Chị My cho biết, gia cảnh kinh tế nhà My sa sút nghiêm trọng. Một mình anh chồng dù nỗ lực làm thuê làm mướn, vẫn không thể nuôi nổi hai đứa con. Các cháu nhỏ bỏ học, rồi cũng tự mình lăn lộn đi kiếm việc làm thêm. Chúng sợ bạn bè chọc ghẹo, hàng xóm chê cười, không công ăn việc làm, nên buộc phải xuống TP.HCM xin rửa chén bán thuê cho quán ăn.
My tâm sự, điều khiến My hối hận nhất là sau ngày bị bắt hai đứa con đã phải bỏ học giữa chừng. Người chồng không chịu được lời đàm tiếu dị nghị từ bà con chòm xóm, bỏ nhà đi biệt xứ.
My kể: “Tôi vào tù thụ án chưa lâu thì nhận tin 2 đứa con phải bỏ học vì không có tiền. Đến bây giờ tôi chẳng biết 2 đứa bé sống ra sao, tương lai chúng đi về đâu. Lẽ nào tội tôi gây ra lại khiến con cái phải trả nợ? Tôi từng nghe câu “gieo nhân nào gặt quả ấy” giờ mới thấy thấm thía. Tôi cầu khẩn trời phật cho hai con đủ nghị lực để vượt qua khó khăn. Bản thân tôi chỉ biết cải tạo thật tốt, để không phải sống dằn vặt lương tâm”.
Nhà My bây giờ hoang lạnh, cỏ dại mọc um tùm. Thi thoảng người chồng có về quét dọn rồi lại đi. Nữ phạm nhân vừa kể về gia cảnh hiện tại vừa khóc nức nở. Nhìn khuôn mặt đờ đẫn, u sầu ở My, chúng tôi hiểu người đàn bà này rất đau đớn và hối hận.
“Tôi nào ngờ chỉ vì một hành động sai lầm đã làm tôi mất tất cả. Số phận tôi không được sung sướng đã đành, còn làm liên lụy chồng con. Hai đứa con tôi phải chịu khổ cực chắc chúng hận mẹ lắm. Lẽ ra giờ này chúng còn được cắp sách đến trường, được đùa nghịch cùng chúng bạn. Tôi muốn nói với các con rằng mẹ xin lỗi các con. Mẹ là người chẳng ra gì, sinh con ra nhưng lại làm hại con. Mẹ sai rồi”, My nức nở nói.
Là phạm nhân cải tạo tốt
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Duy Văn, Giám thị trại giam Đắk Trung cho biết: “Lộc Thị My là phạm nhân có ý thức cải tạo tốt. Nữ tù nhân luôn chấp hành mọi nội quy, điều lệ trong trại. Ngoài ra My hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của trại. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc thấy phạm nhân My cũng có suy nghĩ tiêu cực nhưng nhờ nắm bắt kịp thời tâm lý phạm nhân, nên các cán bộ ở đây đã động viên My. Chúng tôi luôn động viên, giáo dục để My cải tạo tốt, nhanh về để về với gia đình và hòa nhập xã hội”.
|
Hương Sen - Mai Cường (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.