Hội ND các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Khảo sát, hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch

Thu Hà Thứ tư, ngày 08/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Với số lượng người lao động hồi hương đông chưa từng có, trong đó rất đông là đồng bào dân tộc thiểu số, những tháng qua, cùng với cấp ủy, chính quyền, Hội ND các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Khảo sát, hỗ trợ lao động hồi hương

Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến cụm thi đua số 4 từ điểm cầu Đăk Lăk, bà Tạ Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk cho biết: Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh Đăk Lăk đã tiếp nhận hơn 160.000 người lao động từ vùng dịch hồi hương. Hội ND tỉnh đã khảo sát lao động là con em của các gia đình hội viên nông dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về, từ đó có giải pháp cụ thể để hỗ trợ. Nội dung khảo sát gồm 14 nội dung, hơn 1.000 người đã tham gia cuộc khảo sát bằng phiếu trên điện tử và trên giấy.

"Trên cơ sở thông tin thu thập được từ cuộc khảo sát này, Hội ND đã làm việc với các sở, ngành liên quan để có sự hỗ trợ cụ thể về dạy nghề, tìm việc làm, vay vốn, hỗ trợ sản xuất... cho nông dân"- bà Loan nói. 

Khảo sát, hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà chua của nông dân huyện Cư M’gar, Đăk Lăk. Ảnh: Trung Dũng

Theo bà Loan, năm 2021 các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thích ứng với tình hình dịch Covid-19, trong đó đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền.

Đáng chú ý, 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội đã được Hội ND tỉnh Đăk Lăk triển khai đồng bộ, có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là các hoạt động hỗ trợ về vốn và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Hội ND tỉnh đã thực hiện đạt 13/13 (100%) chỉ tiêu thi đua T.Ư Hội giao, trong đó có một số chỉ tiêu đạt khá cao như xây dựng mô hình kinh tế tập thể 273% kế hoạch giao; mô hình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu đạt 365% kế hoạch.

Bà Loan cũng phấn khởi thông báo, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội ND tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành Công văn số 9948 ngày 12/10/2021 về việc xây dựng đề án thành lập "Chợ nông sản online" chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Hội ND triển khai thực hiện trong năm 2022.

Đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế

Ông Hồ Ngọc Đại – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Đăk Nông chia sẻ: Đối với nông dân nghèo, khi chấp nhận tha hương cầu thực, cuộc sống của họ khi hồi hương vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình có thể vẫn có ruộng vườn, đất đai nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, hầu hết nông dân để có vốn sản xuất đều đã cầm cố đất đai để vay mượn ngân hàng.

Theo ông Đại, để nông dân, nhất là khu vực nông thôn có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải tha hương thì cần phải có thời gian dài và có chiến lược cụ thể. 

Trong đó, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp- nhất là các doanh nghiệp về nông nghiệp - đầu tư về địa phương nhằm giải quyết lượng lao động rất dồi dào ở khu vực nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân (về cả giống và kỹ thuật) để chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Trưởng cụm thi đua số 4 cho biết: Về tình hình lao động khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiều năm nay nổi lên vấn đề là những người trong độ tuổi lao động đều đổ xô về các thành phố lớn, các khu công nghiệp để lập nghiệp. Điều này khiến số người trong độ tuổi lao động ở lại địa phương rất thấp.

Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã có hàng nghìn người lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê hương trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, trong đó chủ yếu là các lao động của miền Trung - Tây Nguyên. Vô hình trung tình trạng này gây ra áp lực lớn cho các địa phương khi tiếp nhận dòng người lớn hồi hương trở về.

Theo Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính, từ những áp lực đó sẽ tạo thành cơ hội mới về nguồn nhân lực lao động cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

"Những tiềm năng, lợi thế, dư địa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn rất lớn. Miền Trung có biển, đảo, đầm… Tây Nguyên có tiềm năng về đất đai rất dồi dào, màu mỡ. Vấn đề ở đây là cần đưa đội hình lao động này tham gia phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp sẽ tạo được sinh kế cho số lao động này. Khi tạo được sinh kế sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần phân bố lại lực lượng lao động này"- ông Đinh Khắc Đính nói.

Hội ND các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Khảo sát, hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch - Ảnh 3.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Trưởng cụm thi đua số 4cho rằng: Để hỗ trợ sinh kế cho lao động khu vực miền Trung Tây Nguyên hồi hương, các hội đoàn thể phải vào cuộc tích cực. Ảnh: Thu Hà

Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cho rằng: Để hỗ trợ sinh kế cho lao động khu vực miền Trung Tây Nguyên hồi hương, các hội đoàn thể phải vào cuộc tích cực. Trong đó, riêng với Hội ND phải chủ động tiếp cận với bà con, với người lao động để phân loại lao động. Đồng thời gắn với việc thành lập các chi tổ, hội nghề nghiệp, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Các cấp Hội cũng phải chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển các sản phẩm chủ lực tạo thành chuỗi sản xuất. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để nông dân yên tâm làm ăn, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ đó, từng bước góp phần khắc phục việc phân bố tình hình lao động không đồng đều giữa nông thôn và thành phố trong nhiều năm qua.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem