Hội Nông dân Quảng Ninh tích cực giám sát, phản biện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tích cực giám sát, phản biện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (bài 1)
Bùi My
Chủ nhật, ngày 10/11/2024 15:04 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, mang lại những kết quả thiết thực, phát huy tốt vai trò và năng lực giám sát, phản biện xã hội của cán bộ, hội viên nông dân…
Tăng cường giám sát, phản biện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị
Từ khi Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội được ban hành, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã xác định, giám sát, phản biện xã hội là hoạt động nhằm phát huy tính dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chương trình giám sát toàn khóa; hằng năm ban hành Chương trình giám sát ngay từ đầu năm về triển khai việc thực hiện Quyết định 217, xác định cụ thể nội dung, thời gian, địa điểm giám sát; căn cứ tình hình triển khai nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, hoạt động phối hợp với các ngành.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2028, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HNDT ngày 16/7/2024 về "Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp giai đoạn 2024-2028".
Trong những năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217 được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực. Chương trình, nội dung giám sát được lựa chọn theo chủ đề công tác năm, nắm tình hình thực tiễn có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Cụ thể, trước năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung giám sát, phản biện các vụ việc khiếu nại của hội viên nông dân, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và đã giải quyết dứt điểm 35 vụ việc cho hội viên nông dân.
Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì tổ chức giám sát việc thực hiện mục tiêu về công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm và mục tiêu hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và TP Hạ Long.
Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì giám sát Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về "Tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" tại 7 địa phương ven biển: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên. Sau giám sát, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổng hợp báo cáo giám sát và ban hành báo cáo giám sát và kiến nghị các ngành liên quan theo đúng quy định.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì giám sát về k quả thực hiện Chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2016-2022 tại 9 đơn vị. Đoàn đã giám sát trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long và làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh.
Sau chương trình giám sát, đoàn giám sát tổng hợp kết quả, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở có sản phẩm OCOP báo cáo, đề xuất với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh có hướng chỉ đạo thực hiện chương trình trong giai đoạn tới đạt hiệu quả thiết thực.
Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì giám sát kết quả thực hiện Quyết định số 1139/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2022 tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh: Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, Sở NNPTNT và trực tiếp giám sát tại một số cơ sở đào tạo nghề, mô hình sau đào tạo nghề ở địa phương.
Trên có sở đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá tổng thể, khách quan kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện công tác đào nghề trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.
Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức giám sát việc thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc các Bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Đoàn giám sát do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì cùng với các sở, ngành có liên quan thực hiện giám sát trực tiếp tại Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái; giám sát qua báo cáo các sở, ban, ngành liên quan và 8 địa phương.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai xây dựng 11 mô hình "Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội" tại 9 địa phương: Đông Triều, Hải Hà, Hạ Long, Ba Chẽ, Đầm Hà, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả. Đây là những mô hình điểm của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Đối với hoạt động phản biện, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động và phối hợp tổ chức tham gia lấy ý kiến vào những nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của nông dân do các bộ ngành liên quan, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh soạn thảo như: Dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Hợp tác xã,...
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động và phối hợp tổ chức tham gia lấy ý kiến về các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân của nông dân như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đền bù, tái định cư khi thu hồi đất; nghị quyết chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; quy định khu vực nội thành không được phép chăn nuôi;....
Việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo các văn bản pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp của hội viên nông dân, tổ chức hội nghị phản biện xã hội, lấy ý kiến qua văn bản, khảo sát. Đồng thời hằng tuần, hằng tháng, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổng hợp tình hình, tư tưởng hội viên nông dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân đến các kỳ họp của HĐND tỉnh....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.