Giá trị nông sản, thực phẩm Sơn La tham gia xuất khẩu ước đạt 158 triệu USD
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 254 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 33 chuỗi rau an toàn, diện tích 269 ha, sản lượng 11.211 tấn/năm; 161 chuỗi quả an toàn; 3 chuỗi cà phê diện tích 2.060 ha, sản lượng 2.632 tấn/năm; 9 chuỗi chè diện tích 527 ha, sản lượng 7.515 tấn/năm; 19 chuỗi thủy sản nuôi 2.879 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng 1.543 tấn/năm;...
Đến nay, Sơn La đã có 26 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh trong đó: 12 sản phẩm quả, cụ thể: 1 chỉ dẫn địa lý (quả xoài tròn Yên Châu), 11 nhãn hiệu chứng nhận (Cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; táo sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Sơn La; chuối Yên Châu; mận Sơn La; chanh leo Sơn La, nhãn Sơn La; bơ Mộc Châu; xoài Sơn La); 5 sản phẩm chè (1 chỉ dẫn địa lý chè: Shan tuyết Mộc Châu; 2 nhãn hiệu chứng nhận: chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái; 1 nhãn hiệu tập thế: chè Tà Xùa Bắc Yên; Đăng ký thành công hộ sản phẩm tại Thái Lan: chè Shan tuyết Mộc Châu); 1 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Mộc Châu; 1 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Vân Hồ; 1 nhãn hiệu chứng nhận lúa nếp tan Mường Và; 1 chỉ dẫn địa lý cà phê; 1 nhãn hiệu tập thể sản phẩm khoai sọ Thuận Châu; 2 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cá (cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La); 1 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm chuối Yên Châu; 1 nhãn hiệu chứng nhận mía tím Sông Mã.
Toàn tỉnh có 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở).
Tính đến tháng 11 năm 2023, tổng sản lượng các lại cây ăn quả chính của tỉnh đã tiêu thụ đạt 423.780 tấn; giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 158 triệu USD, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2022.
Hội Nông dân tỉnh Sơn La đồng hành cùng nông dân trong kết nối, tiêu thụ nông sản
Tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La khẳng định: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La chỉ đạo hội nông dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích cây trồng đã cho thu hoạch và dự kiến sản lượng. Thông tin đến các hội viên, HTX chủ động phân loại nông sản theo các nhóm chất lượng; báo giá sớm để gửi cho các đối tác, bạn hàng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chủ động liên hệ, kết nối với các thị trường truyền thống tại các thành phố lớn trên cả nước cùng một số tỉnh phía Nam triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Liên kết với Hội Nông dân các tỉnh hỗ trợ tỉnh Sơn La mở các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đã được công nhận VietGAP, sản phẩm an toàn, có mã số vùng trồng; kết nối cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn Postmart.vn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa trên 155 ngàn tấn nông sản các loại qua thị trường tiêu thu xuất khẩu đi Trung Quốc và thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị, tạo ra sức lan tỏa đến các vùng nông thôn, phối hợp hướng dẫn hội viên nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; tổ chức tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu... Qua đó, góp phần giúp hội viên nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh giàu đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt tiêu thụ, chế biến tiêu thụ nông sản của tỉnh hiện nay còn một số vấn đề cần được quan tâm như: liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; kỹ thuật bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn chưa phát triển.
Phần lớn nông sản Sơn La tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; vốn đầu tư, cho sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Thị trường tiêu thụ và giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh chưa thực sự ổn định do chưa tạo được liên kết 6 nhà trong sản xuất một cách bền vững. Chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm mang địa danh của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ...
Đây là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân. Giải quyết những đề này đòi hỏi phải có sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà Nước và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Nông dân và nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.