Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng

Hữu Dụng - Lương Hà Thứ tư, ngày 10/07/2024 07:20 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả về Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội" góp phần đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân.
Bình luận 0

"Điểm tựa" về vốn cho nông dân

Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Hội Nông dân tỉnh này khơi thông đến gần hơn với người dân, giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách có việc làm và thu nhập ổn định.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 1.

Ông Trần Bình Quân - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của gia đình ông Lê Văn Thượng, thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân.

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát huy được hiệu quả, trong thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích.

Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 2.

Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu của gia đình chị hị Lê Thị hằng, thôn Thống Nhất 2 xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.

Thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tập hợp những người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên địa bàn dân cư do các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn thành lập, được ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Đến 30/4/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.069 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại 27 huyện; 520 xã nhận ủy thác với tổng số 83.746 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 40 thành viên.

Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức được 23.640 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho 2.837.255 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức 57.950 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế cho 5.216.453 lượt hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 1.894 lớp dạy nghề cho 65.954 lượt hội viên, nông dân.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hiệu quả nguồn vốn vay tại cơ sở sản xuất bánh đa nem hộ bà Lê Thị Huệ ở xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa.

Cung ứng chậm trả trên 300.000 tấn phân bón; hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, hàng hoá, cây, con giống trị giá 366.178 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng được 1.558 mô hình phát triển kinh tế. Từ các mô hình hợp tác phát triển kinh tế, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 590 hợp tác xã và 898 tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm theo hướng an toàn, xây dựng các sản phẩm OCOP, VietGap (bình quân, hằng năm các cấp Hội đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng được từ 3-4 sản phẩm đạt VietGAP, đến nay đã có 1.704 mô hình với 197.946 hộ được công nhận mô hình thực phẩm an toàn.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 30/4/2024 dư nợ do Hội Nông dân Thanh Hóa quản lý là 4.735,6 tỷ (tăng 2.139,4 tỷ so với năm 2014 đạt 183%) có 2.244 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 84.169 thành viên.

Trong đó, có 2.069 tổ tốt, 135 tổ khá, 38 tổ trung bình, 2 tổ kém. Nợ quá hạn 4,02 tỷ đồng (tỷ lệ 0,08%; giảm 0,25% so với năm 2014).

Giúp nông dân thoát nghèo

Từ những "điểm tựa" về vốn, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 4.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 30/4/2024 dư nợ do Hội Nông dân Thanh Hóa quản lý là 4.735,6 tỷ

Như mô hình nhà màng của ông Lê Văn Thượng xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trên diện tích gần 4.000m2 nhà màng ông Thượng đã đầu tư và trồng dưa Kim hoàng hậu.

Bên cạnh vườn dưa sai quả ông Lê Văn Thượng - thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) hồ hởi cho biết: Năm 2021, khi Hội Nông dân huyện Thường Xuân tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, ông đã được HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh đấu nối liên doanh, liên kết với Nhà máy đường Lam Sơn để nhà máy hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng nhà màng, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Sau đó, gia đình ông được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết viêc làm. Nhờ vào nguồn vốn vay, đến nay mô hình phát triển tốt, sản lượng bình quân đạt 4,5 đến 5 tấn/vụ, mang về thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thượng.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 5.

Đến 30/4/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.069 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại 27 huyện; 520 xã nhận ủy thác với tổng số 83.746 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 40 thành viên.

Cũng như ông Lê Văn Thượng, bà Lê Thị Huệ ở xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa hiện là chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem cho biết: Những năm trước đây, gia đình tráng bánh thủ công nên năng suất không cao. Sau được Hội Nông dân cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Từ đó tăng năng suất gấp 3 lần so với cách làm thủ công trước đây, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Cũng là một hộ gia đình được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, sau thời gian tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, cuối năm 2019 chị Trần Thị Lịch ở thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa vàng.

Đây là quyết định khiến anh chị khá đắn đo bởi chi phí đầu tư cao. Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, gia đình chị Lịch đã vay mượn thêm từ ngân hàng và anh em bạn bè đầu tư 700 triệu đồng để làm hệ thống nhà màng 2.000m2 trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Thời điểm đó, mỗi kg nhập cho Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn với giá 35.000 đồng. Thu nhập mỗi vụ dưa ước tính 75 triệu đồng/1.000m2.

Hội Nông dân Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách về tận thôn, xóm, bản, làng- Ảnh 6.

Cũng là một hộ gia đình được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, sau thời gian tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, cuối năm 2019 chị Trần Thị Lịch ở thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa vàng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thấy được giá trị kinh tế từ mô hình này, năm 2022 gia đình chị Lịch tiếp tục mở rộng quy mô thêm 2.000 m2. Được Ngân hàng Chính sách xã hội Thiệu Hóa tạo điều kiện cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay quỹ quốc gia về việc làm qua tổ Tiết kiệm và vay vốn, chị Lịch đã đầu tư cải tạo hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự đồng, trồng dưa Kim hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGap.

Chị Trần Thị Lịch phấn khởi cho biết: "4.000m2nhà màng trồng dưa vàng sau khi trừ chi phí cho thu nhập trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp tôi khắc phục khó khăn, hoàn thành đầu tư mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho gia đình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem